Đường Biển Từ Việt Đi Mỹ-Châu trong cổ-thời.

Vũ-Hữu-San

I- Đường biển và đường bộ

"Người ta kéo cánh buồm trước khi lên được yên ngựa. Người ta biết chèo chống thuyền bè dọc theo các dòng sông và hải-hành trên mặt biển trước khi biết du-hành bằng bánh xe lăn trên đường lộ. Ghe thuyền là loại xe cộ đầu tiên. Với nó, thế-giới thời Đồ Đá bắt đầu thâu nhỏ lại. Bằng cách dương buồm lên, chỉ cần nương theo dòng nước chẩy, người cổ-thời có thể đến định-cư trên các hải-đảo..."

Thor Heyerdahl là người Na-Uy đã thực-hiện nhiều chuyến mạo-hiểm xuyên-dương bằng bè cây Balsa và cỏ lau Papyrus. Nhà thám-hiểm Học-giả này đã phát-biểu những quan-niệm như trên khi nhận-xét về sự khác-biệt giữa đường thuỷ và đường bộ trong cuốn sách đã được phiên-dịch ra nhiều ngôn-ngữ khác nhau nhan-đề Early Man and the Ocean, bản Anh-ngữ xuất-bản ở Hoa-Kỳ, 1978).

A - Ưu-Thế Của Đường Thuỷ Trên Đường Bộ

Con người khi quen với quang-cảnh sinh-sống trong lục-địa, nơi những vùng xa mạc, núi non có thể tưởng rằng biển cả chia cắt, ngăn cản sự giao-lưu của nhân-loại, họ không ngờ đó lại là con đường tốt nhất nối các đại-lục với nhau. Suốt dòng lịch-sử, đường thủy trong những vùng duyên-hà, duyên-hải luôn luôn nắm những vai trò ưu-thế trong việc vận-chuyển của loài người.

Heyerdahl giải-thích sự ưu-thế đó ngay trong trang mở đầu của cuốn sách "Early Man and the Ocean" như sau: "Có những vùng đất mà con người nếu muốn tới được do đường bộ thì phải mất nhiều thế-hệ. Trong khi lần lần di-chuyển, người ta phải đương đầu với nhiều chướng-ngại như đồng lầy và những vùng hoang-vu không sinh-khí, núi đá trơ-trọi hay rừng già không thể vượt qua, băng đá và sa-mạc. Tuy vậy, người ta lại có thể chỉ cần ít tuần-lễ nhờ dòng nước trôi dạt ngẫu-nhiên hay hải-hành mà cũng tới được. Ghe thuyền là phương-tiện chính đầu tiên của loài người khi chinh-phục thế-giới".

Clinton R. Edwards khi nghiên-cứu về đường biển Thái-bình-Dương và Nam-Mỹ đã nhận ra rằng: "... đối với dân-cư của những hải-đảo, các vùng ven biển hay dọc theo bờ sông khắp thế-giới, mặt nước chẳng những không làm phân-cách nơi này với chỗ kia mà còn làm nối tiếp họ lại với nhau" (Aboriginal Watercraft on the Pacific coast of South America, trong Ibero-American, No. 47, 1965).

Theo chiều-hướng này, khi tìm-hiểu những phát-kiến địa-dư, người ta cần chú-tâm đến các hoạt-động hàng-hải trong cổ-thời, nghiên-cứu nhiều hơn đến khả-năng đi biển, phương-tiện thuyền bè cùng sự di-chuyển của những dân-cư các vùng duyên-hải hay hải-đảo.

Hình 1- Biển cả chiếm tới gần 3/4 bề mặt của địa-cầu

B- Các Huyền-Thoại Về Mu, Atlantis, Sơn-Hải-Kinh ...

Đã có những huyền-thoại được lưu-truyền, kể về những lục-địa đã bị chìm đắm trong lòng Thái-bình-Dương và Đại-tây-Dương như Atlantis và Mu. Nhà triết-học Plato của Hy-lạp đã viết về Atlantis. Những người dân Maya ngay từ hàng ngàn năm trước, thường tin rằng loài người sống ở Mu đã di-cư đến châu Mỹ. Giới khoa-học-gia ngày nay không tin-tưởng là Atlantis và Mu đã từng hiện-hữu vì không có bằng-chứng xác-thực.

Hình 2 - Vị-trí vẽ theo huyền-thoại về Mu và Atlantis. (sách "Children of Mu" của James Churchward, Ive Washburn Publisher xuất-bản năm 1931).

Hình 3 - Niềm tin của người Maya về những dân-cư thuộc lục-địa Mu. (sách "Children of Mu".

Cũng tương-tự quan-điểm như vậy, bài này không bàn đến những suy-luận quá xa xôi như của những tác-giả sau này:

1- Henriette Mertz quả-quyết là Mỹ-châu không xa lạ gì với Á-châu và chứng-minh rằng trong cuốn sách cổ Trung-Hoa vào thế-kỷ thứ 8 TTL, "Sơn-Hải-Kinh", mà vua Vũ, một vị hoàng-đế mang nhiều huyền-thoại đã ra lệnh biên-khảo, có viết phần địa-dư-chí ghi chi-tiết về vùng Tây và Tây-Nam Bắc-Mỹ (Pale Ink; Two Ancient Records of Chinese Exploration in America, Chicago 1958).

Hình 4 - Vùng Tây và Tây-Nam Bắc-Mỹ, theo Henriette Mertz là khu-vực mà sách Sơn-Hải-Kinh có ghi chép các chi-tiết địa-dư.

2- John Ranking viết rằng người Mông cổ đã chinh-phục Mỹ-châu, đến cả Peru Nam-Mỹ vào thế-kỷ thứ 13. (Historical Researches on the Conquest of Peru, Mexico ... in the Thirteenth Century by the Mongols, London 1827).

3- Một số tác-giả viết sách loại "giả-tưởng" nói rằng họ căn-cứ vào sử sách, đã suy ra rằng sau khi đoàn quân xâm lăng của A-lịch-Sơn (Alexander the Great) đến „n-Độ, vị Đại-Đế trong khi "thừa thắng tiến lên" đã gửi một hạm-đội vượt biển tiến chiếm Mỹ-châu. Nhà khảo-cứu Stephan F. Borhegyi đề-cập đến ý-nghĩa cho rằng nhiều thần-tượng cổ Trung-Mỹ mang hình-ảnh da trắng chính là chỉ A-lịch-Sơn đại-đế vậy.

C -Chứng cớ cổ xưa về vượt biển

Thời xa xưa, loài người đã di-chuyển từ nơi này đến nơi kia bằng đường biển, phương-tiện thuyền bè được sử-dụng từ lâu, lâu hơn là người ta vẫn tưởng. Hai trường-hợp di-dân sau đây là những chứng-cớ .

(1) Những người đầu-tiên sinh-sống ở Úc là những dân Á-châu di-cư đến bằng phương-tiện đường biển. Họ tới đó cách nay trên khoảng từ 60,000 đến 70,000 năm, hay không chừng đã lâu tới 100,000 năm.

Úc-đại-Lợi thường được nhiều người gọi là lục-địa thứ tư, luôn luôn bị phân-cách với lục-địa Á-châu bởi những vùng biển sâu. Chưa bao giờ Á-Úc nối liền với nhau. Mực nước biển khi lên khi xuống. Mỹ-châu có thời nối liền với Á-châu bằng eo Bering, nhưng Úc-châu luôn luôn bị cô-lập.

(2) Tại eo biển Gibraltar, các nhà khảo-cổ cũng tìm thấy chứng-tích loài ngươì qua lại giữa Phi-châu và Âu-châu bằng bè hay ghe thuyền hàng chục ngàn năm xưa. Một số khoa-học-gia ước lượng thời-gian là trăm ngàn năm. Riêng giáo-sư George F. Carter đã dựa vào một số tài-liệu riêng, cho sự định tuổi hợp lý là vào khoảng 200,000 năm (On Pre-Columbian Discoveries of America, tạp-chí Anthrolopological Journal of Canada- Vol. 19, No. 2, 1981: 15).

II- Những ngộ-nhận về khả-năng hải-hành

Cho đến gần đây, hầu hết những nhà khảo-cổ, cũng như các giới khoa-học-gia khác nghiên-cứu về sự phân-tán văn-minh nhân-loại đã chỉ những kiến-thức nông-cạn về hàng-hải và đặc-biệt mù mờ về tình-trạng ghe thuyền trong cổ-thời. Theo lý-luận của Stephen C. Jett thì vì sự yếu kém kiến-thức trong những lãnh-vực này mà các giới đó thường chỉ chuyên-tâm nhắm vào bằng-chứng những sự tương-đồng văn-hóa giữa Mỹ-châu và các xứ khác ở Cựu-lục-địa. Các nhà nghiên-cứu này thường đã bỏ quên một yếu-tố cần-thiết khác cần phải lưu-ý là phương-tiện di-chuyển bằng đường biển. Theo Jett: hiển-nhiên người cổ xưa có đầy đủ điều-kiện hải-hành viễn-duyên và đường biển mà họ sử-dụng để đến Mỹ lại không mấy khó khăn như người ta thường tưởng-tượng xưa nay.

Một khi bắt đầu nghiên-cứu về những hoạt-động hải-hành bất cứ ở đâu trong cổ-thời, theo Heyerdhahl người ta cần thấu-hiểu những sự thực để đánh tan bốn điều dễ dàng gây ngộ-nhận trước khi khởi-sự. Đó là :

1- Vỏ thuyền kín nước không phải là giải-pháp độc-nhất và cũng không phải tốt nhất cho sự an-toàn trên biển . Vỏ thuyền tuy làm thuyền nổi, nhưng lực nổi cung-cấp bởi bài-thủy-lượng (trọng-lượng khố nước bị chiếm chỗ); nếu sâu mọt, hầu hà ăn mòn phần vỏ thuyền phiá dưới hay sóng gió đẩy nước từ phía trên tràn xuống hầm thì thuyền hết kín nước và sẽ bị chìm. Các loại bè dùng chính vật-liệu kiến-tạo để tạo sức nổi, sóng gió có thể đưa nước tràn lên sàn bè nhưng vì nước chỉ quét ngang, không bị giữ lại nên bè tiếp-tục nổi, không chìm. Ngoài ra bè có thể ủi bãi, dễ dàng cho việc đổ-bộ và cũng an-toàn hơn thuyền nếu gặp rủi ro mắc cạn.

Hình 5 - Trong bão-tố, khi nước tràn vào khoang, Tàu thuyền có thể chìm.

Hình 6 - Sự khác nhau về an-toàn giữa thuyền và bè là ở chỗ nước theo sóng tràn qua sàn bè (1) nhưng không bị giữ lại. Trong bão-tố bè tiếp-tục nổi (2).

2 - Cái lầm lẫn thứ nhì khi người ta cho rằng sự an-toàn trên biển tăng theo với độ lớn của con thuyền cũng như chiều cao của sàn thuyền so với mặt nước. Sự thật, nhiều thuyền bè nhỏ đã an-toàn vượt đại-dương trong khi những thuyền lớn hơn 30 bộ Anh có thể gặp nguy-hiểm. Trong biển động, khi mũi và lái thuyền nằm trên đỉnh sóng thì phần giữa thuyền nằm giữa bụng sóng. Hai lực do sóng đẩy lên ở hai đầu, trọng lượng thuyền đè xuống ở giữa sẽ có thể bẻ gẫy thuyền làm đôi. Trường-hợp phần giữa thuyền nằm trên đỉnh sóng, nguy-hiểm bị bể vỡ cũng vậy. Thuyền cần ngắn hơn độ dài sóng để không gặp bất-lợi này .

Hình 7 - So sánh tác-dụng của sóng trên thân thuyền:

-Thuyền lớn dễ bị bể vỡ nếu chiều dài suýt soát bằng với độ dài của sóng biển.

-Thuyền nhỏ hơn một dài sóng không chịu nhiều bạo-lực sóng gió

Hình 8 - Khoa kiến-trúc tàu bè cũng nghiên-cứu kỹ-lưỡng tác-dụng sóng trên tàu, đặc-biệt lưu-tâm đến trường-hợp khi tàu có chiều dài gần băng độ dài của sóng biển. (Hình trích trong sách "Trong Thế-giới Tàu thuyền, Đỗ-thái-Bình, Sài-Gòn 1978)

3 - Người ta thường nghĩ rằng hàng-hải cận-duyên, ôm sát bờ dễ-dàng và an-toàn hơn hàng-hải viễn-dương. Sự thật không phải luôn luôn như vậy nhất là trong cổ-thời khi các dụng-cụ hải-hành chưa được hoàn-bị như hiện nay. — sát bờ có nhiều đá ngầm, sóng gío thay đổi cuồng-loạn vì ảnh-hưởng thời-tiết, địa-thế của đất liền, sự lồi lõm của đáy biển, sức dội trên bờ đá; nhiều chỗ nước xóay, thủy-triều lên xuống bất-thường và dòng nước chẩy rất mãnh-liệt... Giữa đại-dương, nước rất sâu, sóng và gió thường khá đều-đặn, nguy-cơ bị đắm thuyền có thể vì đó giảm đi khá nhiều.

Hình 9 - Hải-đội của Julius Caesar đã từng là "nạn-nhân" mắc cạn và bị hư-hại nặng trong lúc chính ông tưởng rằng an-toàn.

4 - Khoảng cách đi từ A đến B trên biển không nhất-thiết bằng với khoảng cách ngược lại từ B đến A. Điểm này khác biệt với đường bộ trên đất liền. Người ta thường quên rằng nước biển là thể lỏng di-chuyển không ngừng nên nếu biết đI suôi thì nhanh, đi ngược thì chậm hay bị đẩy lùi lại khi vận tốc quá thấp.

Thí-dụ khoảng cách địa-dư đo trên bản-đồ giữa bờ biển Peru và quần-đảo Marquesas là 4,000 hải-lý, một chiếc thuyền có vận-tốc 60 hl/ ngày chỉ cần 40 ngày để chạy từ Peru đến Marquesa; vì nhờ xuôi theo dòng hải-lưu Humboldt, thuyền này được đẩy thêm 40 hl/ ngày. Khoảng chạy sẽ khác hẳn nếu cũng con thuyền trên muốn từ đảo đi về lại đất liền. Vì chạy ngược với dòng nước nên thời-gian hải-hành sẽ mất tới 200 ngày. Khi đó, vận-tốc trên đáy biển bị giảm đi, chỉ còn lại là 20 hl/ ngày (60 hl/ ngày trừ đi 40 hl/ ngày). Trường-hợp dùng một chiếc thuyền khác, chậm-chạp hơn mà vận-tốc trên mặt nước chỉ được 40 hl/ ngày thì không bao giờ thuyền có thể ra khỏi Marquesas.

Heyerdhahl lấy ngay trường-hợp chiếc bè Kon-Tiki mà chính ông dùng hải-hành từ Lima đi quần-đảo Tuamotu năm 1947 làm thí-dụ thực-tế. Khoảng cách trên đáy biển khoảng 4,000 hải-lý, nhưng chiếc bè chỉ thực-sự hải-hành có 1,000 hải-lý là đã tới nơi. Lý-do mặt nước đã chuyển-dịch cùng chiều, đẩy bè đi thêm một khoảng 3,000 hải-lý trong thời-gian 101 ngày trên biển. Bè này nếu muốn đi ngược đường trở lại cũng không thể nào thực-hiện được ý-định vì vận-tốc kém không đủ thắng dòng nước.

Hình 10 - Đường đi của bè Ton-Tiki thuận theo hải-lưu.

III - Khám-phá Mỹ-châu chỉ thực-hiện được bằng thuyền bè

Lục-địa Mỹ-châu, thường được gọi là Tân-thế-giới - có hoàn-toàn biệt-lập với phần đất Cựu-thế-giới trước thời Columbus hay không? - là một đề-tài nghiên-cứu rất sôi nổi. Hầu hết các học-giả xưa nay khi tìm hiểu những mối liên-hệ đến nền văn-minh cổ Mỹ-châu, kể cả hai phái Phân-tán (Diffusionists) và Cô-lập (Isolationists) thường hay tranh-luận xem là lúc xưa, có hoặc không có các Tàu thuyền khổ lớn khả-dĩ hoàn-tất được việc vượt biển tới Mỹ. Thật ra sự-kiện về kích-thước lớn nhỏ không quan-trọng bằng khả-năng hàng-hải của những Tàu thuyền đó. Đã có rất nhiều chuyến xuyên-dương hoàn-tất bởi các thuyền tí-hon, chẳng hạn như chiếc "The April Fool" dài 5 ft 11 7/8 in (1.8 mét) do một người Mỹ quê ở Florida tên là Hugo S. Vihlen lái từ Casablanca tới Florida năm 1968 sau 85 ngày vượt Đại-tây-dương (Guinness Book of World Records, Norris McWhirter, mục Transatlantic Marine Records).

Mới đây, cũng ông cựu phi-công dân-sự Vilhen này lại thực-hiện một chuyến xuyên-dương khác mất 104 ngày trên một chiếc thuyền 5 ft 4 in khi đã 61 tuổi. Lần sau này, ông đi chiều ngược lại từ St John thuộc Newfoundland (Gia-Nã-Đại) đến hải-cảng Falmouth (Anh-quốc) ngày 27-9-1993.

Hình 11 - Hình thuyền xuyên-dương tí-hon The April Fool.

Về phần xuyên Thái-bình-Dương, cũng đã có nhiều cuộc thử-nghiệm xem đường hải-hành khó dễ ra sao. Vào mùa hạ năm 1980, có 6 người Nhật dùng một chiếc thuyền buồm hai thân (cataraman) dài 43 bộ Anh, từ Nhật đi tới Chí-lợi (Chile). Họ nương thuyền theo dòng hải-lưu và không ngờ tới San Franscisco chỉ sau có 51 ngày. Trên đường xuống Trung-Mỹ, thuyền gặp bão và sự hải-hành tuy gần bờ mà lại thập-phần khó khăn hơn lúc xuyên-dương. Sau cùng thuyền này tiếp-tục đoạn đường cuối cùng dễ-dàng và tới Valporaiso, Chí-Lợi vào ngày 9 tháng 12 năm 1980. Chuyến hải-hành 10,000 hải-lý thành-công, mà theo họ, chứng-minh rằng rất có thể những chuyến đi tương-tự đã được thực-hiện từ 5,000 năm trước. (Anonymous "Japanese Researchers Sail Across Pacific to Chile" Báo New York Times, December 1, 1980).

Hình 12 - Hải-đạo thực-hiện năm 1980 bởi thuyền Yasei-Go từ Shimoda qua San Franscisco, Acapulco, tới Valparaiso.

Thời-gian gần đây, nhiều giả-thuyết được đưa ra với kết-luận rằng một số loại bè hay ghe cổ-thời có khả-năng xuyên-dương. Giả-thuyết mới nhất về "giao-tiếp Á-Mỹ qua Thái-bình-Dương là nhờ phương-tiện các bè chạy buồm có trang-bị những cây xiếm" đang được khá đông các giới khoa-học-gia đồng-ý và đang chuyên-tâm nghiên-cứu thêm, đáng kể nhất là:

- Ling-Shun-Shêng, học-giả nghiên-cứu sâu xa nhất về các bè Á-châu (1956, 1968, 1969, 1970).

- C. R. Edwards, người hiểu thông suốt và viết nhiều về bè Balsa của Mỹ-châu (1960, 1965, 1974).

- Thor Heyerdhal, nhà khảo-sát và giải-thích rành rẽ về kỹ-thuật sử-dụng hệ-thống xiếm trên bè (Guare -center board- Sailing Technique Indigenous to South America", Communication to the 33rd Int. Congress of Americanists, San José, Costa Rica, Vol. 1, 1958).

- Những khoa-học-gia khác đã đồng-ý trên căn-bản giả-thuyết và khai-triển thêm các lý-lẽ về "bè giao-tiếp" này còn có Estrada and Meggers, 1961: 935; Richard Bowen 1953: 108; Edwin Doran Jr, 1971, Jpseph Needham, 1971 ...

Những chiếc bè mà các nhà nghiên-cứu này nói tới gồm những loại của Việt-Nam, Đài-Loan và Nam-Mỹ. Joseph Needham và Lu Gwei-Djen tóm-lược lý-lẽ của họ và kết-luận như sau: "... chúng ta không còn ngại ngùng khi nói rằng bè chạy buồm Mỹ-châu đúng là "cháu con" trực-tiếp (direct descendants) của bè Đông-Nam-Á, đó là nhờ ảnh-hưởng của những chuyến hải-hành cố-ý hay vô-tình xuyên Thái-bình-Dương suốt nhiều thế-kỷ ..." (Trans-Pacific Echoes and Resonances; Listening Once Again, World Scientific: Singapore and Philadelphia 1985: 48-49).

Hình 13- So sánh bè Việt (1) và bè Mỹ (2) (Dick Edgar Ibarra Grasso, 1982:186)

Theo quan-điểm chung của các khoa-học-gia ngày nay thì cả Đông và Đông-Nam Á-châu ở một bên, và ở bên kia là lục-địa Mỹ-châu, đã có những giao-tiếp qua lại từ cổ-thời. Nhiều người thường ưa thích cách mở đầu sự minh-chứng bằng một tấm bản-đồ Mỹ-châu có ghi vẽ những vùng đất mà văn-minh bộc-phát như Pueblo, Aztec, Maya, Inca đều nằm về phía Tây lục-địa, tức khu duyên-hải cạnh con đường biển xuyên Thái-bình-Dương. Bản-đồ này còn cho thấy một khía cạnh nữa về tầm ảnh-hưởng văn-hóa Á thẩm-nhập vào Mỹ nhiều hơn tầm ảnh-hưởng nếu có, đến từ phía Đại-tây-Dương.

Hình 14- Bản-đồ dùng minh-chứng các nền văn-minh Mỹ-châu phát-triển nhờ nhận ảnh-hưởng xuyên Thái-bình-Dương: địa-bàn các nền văn-minh nằm về phía Tây của lục-địa Mỹ-châu.

Một số báo-cáo đã đi khá sâu vào chi-tiết không-gian và thời-gian như Alfred V. Kidder:" Các điều hiển-nhiên chứng-tỏ sự khả-hữu về việc khuyếch-tán (văn-minh) từ Đông-Dương hay Nam-Dương (đến Mỹ) ngang qua Thái-bình-Dương trong khoảng thời-gian trước những năm 200-400" (South American High Cultures, sưu-tập Prehistoric Man in the New World, edited by Jesse D. Jennings, University of Chicago Press, Chicago).

James A. Ford căn-cứ vào những chứng-tích nhập-cảng xuyên Thái-bình-Dương vào Mỹ-châu về kiến-thức, kỹ-thuật và nhân-lực (trans-Pacific importation of Knowledge, techniques, and people) để cố thuyết-phục mọi người rằng sự giao-tiếp bằng hải-hành qua một khoảng đường xa cách đã thực-sự xảy ra (A Comparison of Formative Cultures in the America: Diffusion or the Psychic Unity of Mankind, trong Smithsonian Contributions to Anthropology, Washington D.C., 1969). Ford tin rằng những chuyến hải-hành xuyên-dương của người Á-Đông thực-hiện liên-tiếp từ khoảng 2,500 năm TTL. (Review of: Prehistoric Man in the New World, trong American Anthropologist 67, 1965: 157-159).

Oswald Menghin còn nghĩ rằng những chuyến di-dân xuyên Thái-bình-Dương khởi-sự sớm hơn nữa, khoảng 3,000 năm TTL.

IV- Những "dòng sông" hay "giây truyền chuyển-vận" trên đại-dương

Thái-bình-Dương rộng rãi bao la, sau đây chúng ta tiếp-tục suy-xét xem cổ-nhân đã dùng cách nào, đường nào để qua lại Mỹ-châu.

Sông ngòi chắc chắn là những "đường lộ" đầu tiên của nhân loại dùng để di-chuyển qua lại. Các cuộc di-dân qua khắp lục-địa Á, Phi, Âu và Mỹ đều được thực-hiện nhờ lợi-dụng những dòng sông chẩy trong nội-địa. Mầm mống các nền văn-minh lớn cũng phát sinh tại những vùng đất nằm dọc theo các sông như Indus, Euphrates, Tigris, Niles, Volga, Danube, Hoàng-hà, Dương-tử, Hồng-Hà, sông Mã ...

Hình 15- Các nền văn-minh lớn đều nằm cạnh một dòng sông, hầu hết nằm sát bờ biển, duy chỉ có địa-bàn khởi-thuỷ của Trung-Quốc là nằm sâu trong nội-địa. Vì xa lạ với hàng-hải như vậy nên người Tàu lúc xưa không thể là giống dân tiên-khởi đã đến Mỹ-châu.

Thor Heyerdhal, cũng trong sách đề-cập ở trên, đưa ra nhận-xét rằng dù dòng nước có chậm chạp cách mấy, sông cũng vẫn chẩy ngang qua đất liền. "Bởi vì ta không nhìn rõ các hải-lưu bằng mắt nên dễ quên rằng những dòng nước này mới chính là sông lớn nhất và mạnh nhất; nó cũng có bờ và nước lưu-chuyển ngang qua biển mà mắt người ta không nhìn thấy được. Sông lớn nhất vùng Peru không phải Amazon mà là hải-lưu Humboldt chẩy suốt từ phía Đông sang hết phía Tây của Thái-bình-Dương. Sông mạnh nhất vùng Bắc-Phi không phải sông Nile mà là hải-lưu Canary đưa nước biển vùng Phi-châu chẩy vào vịnh Mễ-tây-Cơ. Lộ-trình cố-định của những "dòng sông trên biển" này trải dài trên đại-dương và làm thành các hành lang nối liền những đại-lục".

Hình 16 & 17

-Không-khí nóng vùng nhiệt-đới bốc lên cao, không khí lạnh vùng ôn-đới tràn lấp khoảng trống tạo thành gió thổi theo vòng kín.

-Trái đất quay làm hướng gió lệch đi. — vùng nhiệt-đới gió thổi từ Đông sang tây, ở vùng ôn-đới gió thổi chiều ngược lại.

Hình 18

-Ảnh-hưởng bởi gió, nước di-chuyển, tạo thành các Đại-hải-lưu.

Như ta đã biết, sau thời-đại Băng-Đá, mực nước biển nâng cao dần cho đến mức như hiện nay, lục-địa Mỹ-châu bị các đại-dương bao bọc, muốn tới Mỹ người ta phải dùng đường biển. Thor Heyerdahl cũng cho hay là thuyền bè trong cổ-thời liên-lạc giữa Cựu và Tân-thế-giới chỉ có thể dùng cách đi suôi theo dòng nước và gío. Heyerdahl đưa ra nhiều dẫn-chứng hiển-nhiên và xác-đáng để bảo-vệ lý-thuyết của mình, ông kể ra nhiều chuyến thám-hiểm địa-lý 3, 4 thế-kỷ trước đây đã thất-bại chỉ vì đi ngược lại chiều dòng nước và hướng gió thổi. Để tóm tắt lại giả-thuyết của mình, Heyerdahl trình-bày những "hành-lang" ra, vô Mỹ-châu bằng một tấm bản-đồ nơi trang 49, mà trong đó ta có thể nhận ra lãnh-thổ Cổ-Việt nằm cạnh một "con sông lớn" chẩy ngang Nhật-bản, qua phía nam Quần-đảo Aleutians, tới Bắc Mỹ, dọc theo California, xuống Mễ-tây-cơ và trở lại theo chiều kim đồng-hồ. Vì các dòng đại-hải-lưu hoạt-động theo vòng kín nên Heyerdhal còn gọi đây là một thứ "giây truyền chuyển-vận" (conveyor belt) trên đại-dương.

Hình 19 - Các hải-lưu chính trên đại-dương

Hình 20 - Các chuyến thám-hiểm thành công là nhờ dựa vào những dòng đại-hải-lưu (Thor Heyerdahl, XXXV Congreso Internacional de Americanistas: Mexico 1962, 1: 133-142)

V- Đường biển Việt - Mỹ-châu trong cổ-thời

Á-châu và Mỹ-châu ngăn cách nhau bởi Thái-bình-Dương. Đại-dương này lớn nhất trong ngũ-đại-dương. Vì nó chiếm gần nguyên hẳn một nửa trái đất, nên đã có người đề nghị gọi là "bán-cầu Đại-dương".

A - Đường tuy xa nhưng dễ đến

Khi bàn về sự vượt biển xuyên Thái-bình-Dương tới Mỹ-châu, Patrick Huyghe cho rằng những đường biển này lúc xưa người Á-Đông đã đi lại rất nhiều. Trong chương "Làn sóng tràn đến từ Thái-bình-Dương" (Pacific Wave) viết rằng: "Đối với Đại-tây-Dương thì Thái-bình-Dương bao la hơn nhiều nhưng đại-dương này không phải là hàng rào cản sự giao-tiếp Á Mỹ cũng như Đại-tây-Dương không ngăn-chận được người khách Âu-châu. Sự hiển-nhiên của những lần giao-tiếp xuyên Thái-bình-Dương trong suốt thiên-kỷ thứ nhất TTL. được dự trên lý căn-bản là "— đâu có khói thì có lửa". Khói ở đây là những tương-đồng văn-hóa rất rõ rệt và trong nhiều trường-hợp thật độc đáo mà nếu lấy ra lý-luận thì người ta chỉ có một cách giải-thích là đã có giao-tiếp cổ-thời giữa hai bờ Đông và Tây của Thái-bình-Dương...

Khói thật nhiều dầy đặc chứng tỏ là lửa đã bốc cháy rất lâu. Ảnh-hưởng Đông-Á vào văn-hóa cổ Mỹ-châu xem chừng như đã khơi-sự từ đầu thiên-kỷ thứ nhất TTL., kéo dài đến hết thiên-kỷ thứ nhất sau Tây-lịch..."

Quan-niệm đường đi từ Việt qua Mỹ tuy xa xôi nhưng dễ dàng cũng đã được một nhà khảo-cứu Việt-Nam đề-cập đến. Ông Bình-Nguyên-Lộc viết rằng: "Một dân tộc đi bằng xuồng nhỏ từ Nam Dương đến Madagascar, vượt qua hết „n Độ Dương được thì dân tộc ấy cũng đã vượt Thái Bình Dương bằng xuồng nhỏ được dễ dàng, phương chi ở Thái Bình Dương lại có những đảo nhỏ dọc đường mà „n Độ Dương không có." (Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt-Nam, Sài-Gòn, 1971: 444).

B- Những con đường xuyên dương

Có nhiều hải-lộ vượt Thái-Bình-Dương.

Trường-hợp giả-định, ta đặt một hệ-thống mới cho địa-cầu, một cực ở tại vùng Cổ-Việt và cực kia sẽ nằm ở Nam-Mỹ. Khoảng cách nối hai cực mới này đều bằng nhau dù ta đi theo những đường vòng tròn lớn khác nhau. Khoảng cách này là 10,800 hải-lý (60 HL x 180 Độ - độ dài mỗi phút = 1 hải-lý), cũng giống hệt như độ dài các kinh-tuyến thường dùng hiện nay ngang qua Bắc và Nam-cực.

Hình 21 - Thái-bình-Dương rộng bằng hai lần Đại-tây-Dương và chiếm gần hết một nửa bề mặt trái đất.

Hình 22 - Ba hải-đạo theo vòng tròn lớn cùng một độ dài 10,800 HL từ Việt đến Nam-Mỹ:

(1)-Đường cận-duyên phía Bắc Thái-bình-Dương.

(2)-Đường hàng-hải theo chiều các Đại-hải-lưu.

(3)-Đường xuyên-dương băng ngang giữa Thái-bình-Dương.

Hình vẽ với hai cực giả-định của Địa-cầu là ở biển Việt-Nam và ở Nam-Mỹ.

Hình 23 - Ba hải-đạo trên vẽ lại trên bản-đồ Mercator cho ta ảo-giác là hải-đạo (3) ngắn nhất.

Trong những hải-đạo theo vòng tròn lớn băng ngang qua suốt đại-dương, ta lưu-ý đến đường đi qua Nhật-bản, quần-đảo Aleutian và California. Đường này, như đã đề-cập ở trên cùng một khoảng cách 10,800 HL, lại không phải xuyên-dương.

Người ta thường cho rằng người cổ-nhân không thể hải-hành viễn-dương và khả-năng chỉ giới-hạn trong những chuyến đi sát bờ biển. Tại vùng bắc Thái-bình-Dương, con đường hải-hành ven theo các đảo Kuril, bán-đảo Kamchatcha, các đảo Aleutians có thể đưa thuyền bè sẽ tới được Bắc-Mỹ, Trung-Mỹ hay sau đó cả đến Nam-Mỹ hoàn toàn do cách cận-duyên. Hải-đạo này giúp cổ-nhân luôn luôn nhìn thấy bờ biển, hải-hành chuyển-tiếp từ đảo này tới đảo kia, vừa đi vừa đánh cá, vừa hy-vọng tìm thêm thực-phẩm trên đảo cho đến suốt dọc bờ biển của lục-địa Mỹ-châu.

Hình 24 - Đường cận-duyên từ Đông-Á sang Mỹ-châu (American Heritage, Vol. XVII, April 1966: 45)

Như đã trình-bày ở trên, "giây truyền chuyển-vận" vùng bắc Thái-bình-Dương nối Đông-Á với Mỹ-châu cũng là đường biển khả-dụng của cổ-nhân. Người thủy-thủ có thể lợi-dụng chiều gió và dòng nước thuận-tiện đẩy thuyền đi trên đường xuyên-dương. Vì Thái-bình-Dương rộng rãi bao la nhất trong các đại-dương nên năng-lực các đại-hải-lưu thật mạnh mẽ. Kuroshio hay đại-hải-lưu Nhật bản có vận-tốc tối-đa tới 3.5 gút, tức khoảng 6.4 km/giờ. (Funk & Wagnalls New Encyclopedia, đề-mục Kuroshio).

Trường-hợp thuyền bè ngoài khơi Đông-Hải, Đài-loan, Nhật-Bản hư buồm, lái, máy móc; bị sóng gió, dòng nước cuốn trôi qua Mỹ-châu một cách ngẫu-nhiên không phải là ít và đã được thống-kê từ thế-kỷ 19. Tài-liệu trình-bày rõ ràng nhất thực-hiện bởi C. W. Brooks trong bản báo-cáo "Reports of Japanese Vessels wrecked in the North Pacific: From the Earliest Records to the Present Time", 1876, tập-san California Academy of Sciences, Proceedings 6: 50-66. Theo đó, nhiều ghe thuyền từ Á-Đông đã dạt sang Mỹ-châu, có chiếc xuống tới tận Mễ-tây-cơ. Xác-xuất mà Brooks cho khá cao: Trong 60 thuyền trôi từ Nhật, ít nhất một tá qua đến Mỹ: tỷ-lệ tối thiểu 20 phần trăm. Trung-bình thời-gian trôi dạt trên biển của các nạn-nhân là 7 tháng, và trong hơn một nửa các trường-hợp, có một vài người trong thuỷ-thủ-đoàn còn sống sót.

Trong cổ-thời, người Việt thường hải-hành ngoài khơi. Nhiều ghe thuyền kém may mắn bị hư hại đến mức-độ không còn tự ý vận-chuyển nên có thể bị sóng gió và nhất là đại-hải-lưu cuốn trôi sang lục-địa Mỹ-châu.

Hình 25 - Các hải-lưu vùng Đông-Nam-Á. Trừ khi gió Đông-Bắc thổi quá mạnh, các hải-lưu thường chẩy theo hướng Bắc-Đông-Bắc ngược lên Bắc Thái-bình-Dương rồi qua phía Bắc-Mỹ.

Các đại-hải-lưu Bắc Thái-bình-Dương mang nước từ vùng biển nóng phía Nam lên vùng Bắc. Cho dù ở vùng vĩ-độ cao, về mùa đông nhiệt-độ trên mặt biển vẫn ấm áp, dễ chịu nếu so sánh với khí-hậu lục-địa như ở Đại-hàn hay Gia-nã-Đại. Thuyền-nhân nhờ đó, có nhiều cơ-hội sống sót. Hơn nữa, vì điều-kiện môi-sinh phù-hợp nên nhiều hải-sinh-vật sinh-sôi nẩy nở tạo nguồn thực-phẩm cho những người đi biển. Với sự hiểu biết về biển cả, nhiều người đánh cá sống dễ dàng sau một thời-gian dài trên đại-dương. Cơ-hội tồn-tại của họ lớn hơn rất nhiều so với những người bị lạc lõng trong sa mạc hay rừng núi.

Hình 26 - — vùng Bắc của Thái-bình-Dương, ngay giữa mùa Đông nhiệt-độ rất ấm áp. Quá lên phía Alaska, hàn-thử-biểu mới hạ xuống số không.

Hình 27 - Nhiều hải-sinh-vật sống trong vùng đại-hải-lưu. Cá hồi (silver salmon) và cá hương (steelhead trout) di-chuyển khắp nơi trong vùng Bắc Thái-bình-Dương (Encyclopedia of the Animal World).

VI- Trôi và giạt

Tai nạn thuyền hư hỏng bị trôi giạt trên biển thường xảy ra.

A - Bão cuốn thuyền bè ra biển

Thuyền bè bị cuốn ra biển rất nhiều, sử sách ta cũng chép những chuyến trôi dạt như vậy. Đặc-biệt trong thời Lê khi Nam-Bắc gặp nạn phân-tranh, có lần cả hai hạm-đội lúc đang chuẩn-bị giao-chiến thì một trận bão thổi tới, một số thuyền trôi đi Hoàng-Sa, một số bị thổi qua Hải-Nam, có lẽ nhiều Tàu chiến của cả hai phe đã bị cuốn trôi ra Thái-bình-Dương mất tăm tích.

Cơn giông là những trận gió mạnh, bão là những cơn giông lớn kéo dài nhiều ngày. Những trận bão lớn thường phát-sinh gần đường xích-đạo. Khi nhiệt-độ nước biển gia-tăng quá nhiều ở vùng nhiệt đới, khối không-khí bốc lên cao. Những sự xáo-trộn như vậy, nếu đột ngột và mạnh mẽ quá sẽ tạo thành các cơn bão nhiệt-đới (tropical storms), hay đại-phong (typhoons).

Những vùng bờ biển phía Đông của hai lục-địa Á và Mỹ-châu là các khu-vực có nhiều giông bão. Vùng bờ biển phía Tây như ở California thường rất ít khi có bão. Nếu so-sánh trên cùng những vĩ-độ thì vùng biển Đông của chúng ta có nhiều đại-phong gấp tới 5 lần so với bão nhiệt-đới vùng duyên-hải Bắc-Mỹ. Thường thường bão phát-sinh từ khu-vực phía Đông và Đông-Nam Phi-luật-Tân, nhiều nhất từ cuối tháng năm đến tháng chín. Cường-độ bão tăng dần và bão thổi qua vùng biển miền Bắc Việt-Nam vòng lên phía Bắc, rồi Đông-Bắc ra vùng Bắc Thái-bình-Dương. Tương đối ít có trận bão nào tới Nhật bản.

Không nơi nào khác trên thế-giới mà tai-nạn thuyền bè bị cuốn trôi ra biển lại nhiều như tại vùng biển Đông-Nam-Á

B- Thuyền bè giạt vào bờ Mỹ-châu

Nếu bị cuốn trôi theo dòng nước như vậy, liệu thuyền bè có thể cứ bị cuốn trôi đi mãi ở giữa dòng đại-hải-lưu, cũng như giữa lòng đại-dương hay sao ?

Thật ra không phải như vậy. Sau khi thuyền bè bị gió bão cuốn ra biển, trừ khi nào bị đắm và chìm xuống đáy bể thì không kể, lâu mau gì ghe thuyền đó cũng sẽ lại giạt vào bờ lục-địa, hay trôi đến gần một hòn đảo nào đâu đó. Tạm kể một số chứng-cớ như sau :

- Những ai sống cạnh sông, biển đều thấy nhiều vật trôi nổi từ giữa dòng hay từ ngoài khơi tấp vào bờ.

- Vì các hải-lưu tạo thành vòng kín nên sinh ra lực ly-tâm đẩy các vật trôi nổi ra phía ngoài. Lấy thau nước khua tròn, bỏ cọng rơm vào, nước sẽ đẩy cọng rơm vào thánh chậu.

- Lực ly-tâm này có thể nhỏ nhưng còn nhiều động-lực thiên nhiên khác mạnh mẽ hơn nhiều, đẩy các ghe thuyền đó vào phiá bờ:

* Gió mùa hay gió mậu-dịch (trade wind) vùng ôn-đới Thái-bình-Dương thổi từ Tây sang Đông. Gió này rất điều-hoà, quanh năm thổi vào lục-địa Bắc-Mỹ.

* Theo dõi tin-tức khí-tượng hay đọc bản-đồ thời tiết Bắc-Mỹ, ta thấy tất cả những khối không-khí nóng hay lạnh đều thổi từ ngoài khơi Thái-bình-Dương về phía lục-địa. Trừ ra khi bị nhiễu-loạn, gió không bao giờ thổi chiều ngược lại từ Hoa-Kỳ hay Gia-Nã-Đại ra khơi.

* Thông thường trong vùng từ xích đạo đến ôn đới, mặt đất đại-lục bị mặt trời nung nấu nên nóng hơn ngoài đại-dương. Không-khí bốc lên cao và gió đưa không-khí mát từ biển vào bờ. Hiện-tượng gió thổi này vào ban ngày, mạnh mẽ nhất vào buổi chiều. Gió có thể thổi theo chiều ngược lại lúc đêm khuya và về sáng khi mặt đất nguội đi, nhưng gío này không mạnh bằng gío buổi chiều.

* Ngư-phủ thường lợi-dụng những ngọn gío này, đưa thuyền ra khơi lúc còn sớm và trở về bến vào lúc buổi chiều tối.

* Thuyền buồm an-toàn cho việc "vượt biên" hơn thuyền máy vì nhờ gió, thuyền-nhân hy-vọng được gió thổi tấp vào bờ cao hơn thuyền máy.

Hình 28 - Tại vùng phía Tây của Gia-Nã-Đại và Hoa-Kỳ, quanh năm gió mùa thổi từ biển vào bờ.

Hình 29 - Gió thường thổi từ ngoài khơi vào phía bờ, mạnh nhất vào lúc chiều.

Hình 30 - Những nhà khí-tượng-học cho biết các khối không-khí Thái-bình-Dương đều di-chuyển vào lục-địa Bắc-Mỹ.

Hình 31 - Những đường đi của giông-tố hay bão nhiệt-đới thường thường xuất-phát từ vùng Tây của Thái-bình-Dương, thổi qua vùng biển Đông-Á cuốn về hướng Đông-Bắc sang phía lục-địa Bắc-Mỹ. Thuyền bè khi bị trôi dạt từ vùng cổ-Việt cũng bị cuốn đi theo hải-trình như vậy.

VII- Cách đọc Bản-đồ cổ

Ngày nay chúng ta thường quen thuộc trong việc đọc bản-đồ với phương Bắc của tấm bản-đồ ở phía trên, phương Đông nằm phía bên tay phải và phương Tây về phía trái. Theo Patricia Lauber, cách đọc này có thể gây lầm-lẫn (misleading). Các bản-đồ cổ của Á-Đông không bắt buộc cách trình-bày như vậy và thường khi đặt phía Đông ở phía trên. Trường hợp từ cổ Việt sang Mỹ, đường hải-hành hình-dung từ đất liền đi ra cứ hướng thẳng là tới Mỹ. (Who Discovered America?, Random House, New York, 1970: 75).

Vì những bản-đồ cổ thường hay vẽ hướng đi tới là phía trên, nên hải đồ để hướng Đông lên trên và địa-đồ nước ta lại định hướng Tây khi tính từ ngoài biển đi vào.

Hình 32 - Cách trình-bày bản-đồ ngày nay, phía Bắc ở trên. Quan-sát bản-đồ này trước, rồi xem bản-đồ kế-tiếp chúng ta sẽ thấy sự khác-biệt.

Hình 33 - Nếu đọc bản-đồ theo cách cổ-điển, người ta có thể nhận thấy rằng muốn qua Mỹ-châu, con thuyền cứ đi thẳng ra biển là tới nơi dễ dàng.

VIII- Quan-niệm về nghiên-cứu đường biển tới Mỹ

Chưa có công-trình to lớn nào chuyên-tâm nghiên-cứu đến việc người Việt trong cổ-thời đã khám-phá, giao-thương và khai-thác Mỹ-châu nhưng những tài-liệu liên-hệ xa gần đến vấn-đề này không phải ít. Trong khi đi tìm kiếm những chứng-cớ khắp nơi về giao-tiếp giữa Cựu và Tân-thế-giới, các khoa-học-gia đã tìm ra nhiều chi-tiết có liên-hệ đến người Việt chúng ta. Trong khi chờ đợi vì chưa có phương-tiện mở những cuộc nghiên-cứu quy-mô riêng biệt và rộng lớn hơn, người viết chỉ tạm-thời sử-dụng những tài-liệu hiện-hữu sẵn có trong thư-viện, góp nhặt lại, phân-tích, nhận-xét và tổng-hợp thành một số kết-quả như đang trình-bày trong tập khảo-cứu sơ-khởi và cũng sơ-đẳng này .

A - Đường-hướng chung về nghiên-cứu

Như trên đã trình-bày, vì chỉ có cách dùng đường biển người ta mới đI được tới Mỹ-châu nên trọng-tâm bài này nhằm nghiên-cứu đến hoạt-động hàng-hải của người Cổ Việt-nam liên-hệ ra sao với việc khám-phá vùng đất mới này. Người viết suy-diễn ra rằng muốn chứng minh một chủng-tộc nào đó đã từng khám-phá Mỹ-châu thì trước hết cần tìm xem "ứng-viên" này có hội đủ các điều kiện tối-yếu sau đây hay không :

1- Giống dân đi biển, sinh sống gần "hành-lang" của đại-dương, thuận-tiện dòng nước, chiều gió; dân trong đất liền đương-nhiên khó tới Mỹ được .

2- Thuyền bè khả-hữu cuả họ có khả năng viễn duyên, ghe trong sông không thể dùng đi biển.

3- Có nhiều tương-đồng về văn-hóa với Mỹ-châu . Những liên-hệ về hoạt-động hàng-hải với Mỹ-châu trong cổ-thời cần được ưu-tiên nghiên-cứu trước những tương-đồng văn-hóa khác.

Việt-tộc chúng ta trong cổ-thời hội-tụ đầy đủ các điều-kiện đó để có thể trở thành những ứng-viên hàng đầu, với nhiều cơ-hội được thừa-nhận là đã vượt biển tới Mỹ.

B- Lý-do riêng-biệt thúc đẩy sự ra đi từ Cổ Việt

Nếu có nhiều tương-đồng văn-hóa tất phải có giao-tiếp, sự giao-tiếp rộng rãi lại có thể nhờ số lượng lớn của di-dân. Vào cổ-thời cách đây khoảng 3 hay 4,000 năm những cuộc thám-hiểm do quốc-gia đứng ra tổ-chức, như trường-hợp Kha-luân-Bố đã thực sự không thể xảy ra. Tuy vậy, cũng có nhiều nguyên-do mạnh mẽ khác thúc-đẩy các chuyến đi thám-hiểm, đi khai-phá hay di-dân sang Mỹ-châu. Sau đây chúng ta xét đến một số nguyên do tiêu-biểu:

1- Chiến-tranh và sự bảo-toàn sinh-mạng.

Nguyên-do lớn nhất thúc-đẩy sự ra đi hàng loạt trong cổ-thời có thể vì chiến-tranh, khi người dân lo sợ bị tàn sát hay bắt bớ. Thế-giới cần quan-sát và học-hỏi ở các đợt sóng di-cư, tị-nạn, nhất là những chuyến trốn chạy đường biển mà số lượng thuyền-nhân lên đến hàng triệu người, lũ lượt ra đi liên-tiếp cả nhiều thập-niên không ngừng nghỉ. Những người này còn lang thang đâu đó sau hàng chục năm trời bỏ quê-hương ra đi, qua vài thế-hệ vẫn có thể chưa dừng chân định-cư lại ở một chốn nào.

Hình 30- Chiến-tranh gây tàn-phá, giết chóc, máu lửa đầy trời. Dân-chúng bồng bế nhau chạy trốn loạn lạc.

Trong khoảng nửa thế-kỷ gần đây, nhiều triệu người Tàu ở Hoa-lục vượt biển trốn qua Đài-loan khi Trung-Cộng chiếm trọn lãnh-thổ, hàng chục ngàn người cũng lúc đó tìm đường sang tới Mỹ. — Việt-nam ta, gần triệu người chạy vào Nam khi Việt-Cộng kiểm-soát miền Bắc năm 1954, nhiều ngàn người qua tới Âu-châu. Biến-cố mới nhất và cũng rõ ràng nhất là khi Cộng-sản chiếm miền Nam năm 1975, người Việt-Nam đã tán loạn chạy trốn đi ra khắp nơi trên thế-giới. Liên-tiếp trong hai thập-niên, thuyền-nhân vẫn tiếp-tục đi. Đã có hàng triệu người tới Mỹ và lập lại sự nghiệp ở đây nhưng còn nhiều người vẫn lang thang, chưa biết sẽ dừng chân định-cư tai chốn nào. Mấy ngàn năm trước những lần ra đi ồ ạt tương-tự chắc cũng đã xảy ra cho tổ-tiên chúng ta khi người Tàu từ thượng nguồn Hoàng-Hà bắt đầu tràn xuống duyên-hải và tiếp-tục bành-trướng, xâm-chiếm đất phương Nam.

Hình 31- Những làn sóng di-tản khỏi Việt-Nam sau biến-cố tháng 4/1975. Hình-ảnh tương-tự cũng đã sẩy ra cho tiền-nhân nhiều ngàn năm trước đây.

2- Quan-niệm của hai học-giả: một Á-Đông, một Nam-Mỹ.

Một học-giả gốc Tàu thuộc Đại-học Iowa State University, ô Paul Shao, khi nghiên-cứu về sự liên-hệ giữa các giao-tiếp Á-Mỹ với những biến-động hồi người Trung-hoa mở-mang lãnh-thổ, lấn Đông-di, dẹp Nam-man ...; đã phát-biểu các nhận-định hữu-lý như sau : "... Có lẽ một trong những cách-thức dễ dàng nhất để thấu-hiểu tại sao các biến-cố lịch-sử lại ảnh-hưởng đến những tiến-trình giao-tiếp về văn-hóa ngang qua đại-dương hay vòng theo ven biển Thái-bình-dương (trans - or circum - Pacific cultural contact) là nghiên-cứu những cuộc hành-trình vượt thoát mới đây nhất của những người Cambodge và Việt-Nam khi họ trốn chạy khỏi quê-hương trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé. Chuyện này không có mấy khác-biệt với những lần tổ-tiên của họ dùng thuyền bè di-tản trước đây hai, ba ngàn năm ..." Paul Shao tin rằng hầu hết những người mang văn-hóa đi truyền-bá ở Mỹ là thuộc "Di" và "Man" (chỉ người Việt chúng ta), không phải người Trung-hoa (It is my belief that while the cultural motifs diffused to Mesoamerica were primarily Chinese in character, the cultural transmitter was mostly non-Chinese). (Chinese Influences in Pre-Classic Mesoamerica Art, sưu-tập Diffusion and Migration: Their Roles in Cultural Development, edited by P. G. Duke, trang 202-205, University of Calgary, Canada, 1983).

Hình 32- Hình ảnh này tương-tự như cảnh Di, Man chạy tản-loạn khi Tàu bành-trướng, xâm-lăng các lãnh-thổ chung quanh.

Về phía Mỹ-châu La-tinh, một số nhà trí-thức như Luis González Calderón cũng có những quan-điểm tương-tự. Calderón tự giới-thiệu trong cuốn sách do chính ông xuất-bản, là một y-sĩ ở Coatzacoalcos, Veracruz; khi bàn-luận đến các đại-hải-lưu bắc Thái-bình-Dương đã cho rằng có thể trong khoảng 200 năm TTL, một nhóm Tàu thuyền rời vùng Đông-Bắc Trung-Hoa định đi Nhật-Bản đã bị cuốn vào dòng Kuro-shio. "Nếu vậy, họ có thể trôi đến bờ biển Guerrero hay Oaxaca". Những người khách này có thể vượt bán-đảo tới vùng dân Olmec... Ông đưa nhiều di-tích tại những địa-phương trên làm bằng-chứng. (Cabecitas Olmecas: Origenes de la primera civilizatión de América, Coatzacoalcos, 1977).

Trong những nhóm di-cư mà Colderón kể ra, hiển-nhiên có đông người Việt cổ (Yueh) vì họ là giống dân đã từng chiếm-ngụ liên-tục vùng duyên-hải Đông-Á từ thời Băng Đá.

3- Ý-kiến Heine-Geldern

Heine-Geldern cho rằng: "Vàng, ngọc-thạch và lông chim có thể đã lôi cuốn người Á-châu đi sang Tân-thế-giới. Đến thế-kỷ 16, vàng và bạc lại đã kéo dân Tây-ban-Nha tới đất Mỹ trên những Tàu thuyền mà khả năng hải-hành còn thua kém hẳn phương-tiện của người Á-Đông trước thời Kha-luân-Bố. Cho đến bao giờ con người còn đeo đuổi theo sự giầu sang và quyền-lực, người ta sẽ không ngạc-nhiên khi nhận hiểu ra rằng người Á-châu đã tới đất Mỹ để tìm kiếm những sản-phẩm giá-trị lớn ( The Origin of Ancient Civilizations and Toynbee's theories, trong Diogenes, No. 13, 1956: 81-99).

Theo sử cũ thì thời bấy giờ nhà Tần vì ham nước Việt có nhiều ngọc trai và ngọc cơ nên muốn lấy để đặt làm quận huyện .... Dân Việt có thể không tham-lam những mối lợi lớn, nhưng đã bị một lý-do mạnh mẽ khác thúc-đẩy khi quân xâm-lăng ép buộc. Vì mạng sống bản-thân hay gia-đình bị đe dọa, tiền-nhân đã phải liều thân đi tìm vàng bạc, châu báu nộp quân thù.

Hình 33- Tính-chất ngọc giống nhau và hình thức trang-trí trên ngọc tương-tự giữa cổ-Việt và cổ Mỹ-châu

a- di vật trong cổ-mộ của vua Văn-Vương nhà Triệu

b- ngọc Mỹ-châu

IX- Di-Dân trong Địa-Phương Cũng Bằng Đường Biển Cận-Duyên

Khi dùng đường biển cận-duyên, lần theo bờ biển để di-chuyển từng đoạn nhỏ, hiển-nhiên người ta có nhiều điều-kiện mưu-sinh thuận lợi hơn là khi di-chuyển trong đại-lục. Những khu-vục tân-cư thường là dọc theo bờ biển, bờ sông. Khi di-chuyển trong các vùng duyên-hải, di-dân dễ dàng tìm cá, bắt tôm, nhặt sò hến, bẫy chim biển, săn hải-thú như cá voi, hải-mã ... Sự sinh-tồn đương-nhiên khó khăn hơn là nếu họ đi sâu vào đất liền, ở đó nhiều nơi cằn cỗi, không có thực-phẩm nhất là lúc xưa, người ta chưa giỏi nông-nghiệp.

Gần đây, nhiều cuộc nghiên-cứu mới đưa ra câu hỏi tại sao chứng-tích sinh-sống người thời cổ nơi vùng Alaska và Bắc-Mỹ không có vẻ gì cổ xưa hơn ở Trung-Mỹ và Nam-Mỹ. Điều này dễ giải-thích nếu dùng đến giả-thuyết sự di-dân đã thực-hiện phần lớn bằng ghe thuyền dọc duyên-hải.

X - Khả-năng hàng-hải của cổ Việt trong việc khám-phá Mỹ-châu

Những tài-liệu từ lâu còn sót lại trong sử sách và các phát-kiến mới về khảo-cổ được công-bố gần đây đã hiển-nhiên đưa ra chỉ-dấu rõ ràng là người cổ Việt đi biển rất giỏi, đủ phương-tiện và khả-năng để tới được Mỹ-châu. Vì cư-ngụ từ cổ-thời cạnh vòng đai "giây truyền chuyển-vận" vùng Thái-bình-dương mà lại ưa xông xáo ra biển, Cổ Việt phải là giống dân bị "cuốn hút" vào trước hết, theo đó họ tới Mỹ-châu một cách vô-tình.

Theo các nhà khảo-cổ thì tại bờ biển Đông-Á lúc xưa vào thời Băng Đá, đã có người sinh sống, đó là tiền-nhân của giống Việt (Yueh) sau này. Khi đó, vào khoảng 12,000 năm trước đây, băng đá bao trùm hai cực, mực nước đại-dương rất thấp nên bờ biển bao chùm cả Nhật-Bản, Đài-loan, chạy dài xuống tới Nam-Dương. Theo William Meacham, ghe thuyền có lẽ được dùng vào khoảng năm 10,000 TTL là loại bè tre (Origins and Development of the Yueh Coastal Neolithic: A Microcosm of Culture Change on the Mainland of East Asia, sưu-tập The Origins of Chinese Civilization, edited by David N. Keightley, University of California Press, 1983: 147-175). Nếu người ta tìm ra được bằng-chứng một số dân Việt theo hải-lưu đã tới Mỹ-châu hàng chục ngàn năm trước đây thì cũng không có gì đáng gọi là ngạc-nhiên!

Hình 34 - Bản-đồ vùng Đông-Á trong thời Băng Đá, dân-cư sống sát gần với Hải-lưu.

Khi băng đá tan rã, mực nước biển dâng cao lên, bờ biển rút sâu vào phía đất liền có chỗ chuyển-dịch xa tới hàng trăm dậm Anh. Cũng theo Meacham thì sự thay đổi hoàn-cảnh sinh sống mới đã tạo nên cơ-hội cho sự tiến-triển văn-minh, nhất là về khả-năng hàng-hải. Ngoài những dân-cư Việt sống trên đất nước Việt-Nam từ lâu, một số dân-cư khác đã sống ở vùng bờ biển ngày nay thuộc nước Tàu cũng là người Việt; Meacham lưu-ý mọi người không thể gọi những dân này là Tàu được. Như các dân bản-địa kỳ-cựu khác, người Việt không có liên-hệ trực-tiếp gì tới sự khai-sinh nền văn-minh Trung-Hoa (trang 149).

Sau này, có lẽ cũng nhờ những tiến-bộ về hàng-hải mà nền văn-minh Hòa-Bình phát-triển kéo theo sự bành-trướng dân-số. Khoảng 5.000 năm trước, nhiều đợt di-dân đã xuất-phát từ vùng này ra các đảo Đài-loan, Nhật-bản, Phi-luật-Tân... Chứng-cớ về văn-minh Đông-Sơn lại rõ ràng là được mang đi bằng đường biển đến khắp nơi tại Đông-Nam-Á khoảng 2,500 năm trước đây. Một số dấu-tích liên-hệ thương-mại của người Việt (Yueh) như ngà voi, vàng ngọc, da thú ... đã được tìm thấy ở Tây-bá-lợi-Á và có lẽ cả ở lục địa Mỹ-châu (Science and Civilisation in China, Vol.4, Joseph Needham, Cambridge 1971: 441, 540-553).

Trong những lần di-chuyển ồ ạt như vậy ra biển, hẳn phải có những thuyền bè bị sóng gió cuốn trôi theo dòng nước.

Hình 35 - Hình-ảnh Đông-Á với ảnh-hưởng hàng-hải thời cổ. Lưu-ý đến chứng-tích Trống Đồng Đông-Sơn và các hải-cảng xa đến Tây-bá-lợi-Á. (Nu-Sun, Gunnar Thompson, 1989: 62-63).

XI - Vài phương-pháp hải-hành của người xưa

Những ai lưu-tâm đến hành-thủy hay có dịp quá-giang những thuyền buôn bán và ghe đánh cá nhỏ bé đều biết đến một số phương-pháp hải-hành thô-sơ được lưu-truyền lại từ cổ-thời. Mặc dù không có một dụng-cụ máy-móc hải-hành như la-bàn, kính lục-phân, dụng-cụ điện-tử radar, sonar..., những người đánh cá hay tài-công chưa bao giờ đến trường vẫn đưa được thuyền bè của họ vượt qua sóng, gió, bão tố, trong sương mù, giữa đêm tối; về đến bến an-toàn sau nhiều ngày ra khơi. Hiểu biết nghề-nghiệp như vậy đều do ông cha truyền lại.

Khả-năng siêu-đẳng trong nghệ-thuật hải-hành của người đi biển vùng Đông-Nam-Á nói chung và tổ-tiên người Lạc-Việt nói riêng được sách "The Cambridge History of Southeast Asia, Volume one- From Early Times to c 1800" (Cambridge University Press, 1992: 185) tóm gọn như sau: "Lãnh-vực tinh-thông thứ ba (sau việc cải-tiến nông-nghiệp và luyện-kim đồng) là hàng-hải, điều này giải-thích một phần là trống đồng và nhiều vật-dụng khác lại được phân-phối đI xa xôi như vậy. Giống dân hàng-hải đó đã đi tiên-phong trong lãnh-vực phát-triển Tàu thuyền... Họ hải-hành viễn-dương xa nhà nhiều ngàn cây số đường biển, định hướng qua những đợt sóng ngầm, sóng bạc đầu dài ngắn, xem sự hình-thành những đám mây, quan-sát gió thổi, nhìn đường chim bay, tìm coi các loài cá, rong biển .... Những kiến-thức lắc léo và phức-tạp như vậy được truyền miệng từ thế-hệ này qua thế-hệ khác."

Hình 36 - Vài phương pháp và nguyên-tắc hải-hành.

Ta không cần phải bàn thêm nhiều về khả-năng và phương-pháp hải-hành của người Cổ Việt ở đây. Nhiều kiến-thức căn-bản và cần-thiết trong việc chứng-minh sự xuyên-dương được trình-bày trong các chương "những phát-minh của dân Việt về ghe thuyền làm thay đổi lịch-sử thế-giới", "những bằng-chứng giao-tiếp Việt-Mỹ bởi hàng-hải".

XII - Thể-lực Siêu-đẳng của Người Biển thời Xưa

Phụ thêm vào bốn điểm "dễ gây ngộ-nhận" mà Hayerdhal đã nêu ra, chúng ta cũng cần xét thêm một số sự kiện nữa liên hệ đến thể-lực người xưa như sau:

-Không nên đánh giá quá thấp về khả năng đi biển của người xưa. Vùng Đông-Á là địa-bàn của dân biển cả sinh sống. Người ở rừng núi sinh-tồn được, người ở biển cả cũng vậy. Không vì chúng ta quen sống trong môi-trường văn-minh hiện-tại mà quên rằng 5, 3 ngàn năm về trước vì nằm trong hoàn-cảnh đặc-biệt, con người phải đáp-ứng theo đà tiến-hoá đặc-biệt và đã thích-nghi với đời sống biển cả. Người Biển hay Orang-Lot có thể sinh-tồn sau thời-gian dài di-chuyển, sinh sống trên biển không cần vào bến.

- Không có đồ ăn. Tuy biển rất cuồng bạo, biển có thể giết những người bình-thường như chúng ta ngày nay, nhưng biển đối với "người biển" (Orang-lot) thì lại khác. Biển có thể cung-cấp đầy đủ phẩm-vật cho họ, nhờ biển mà "người biển" sinh-tồn hàng tháng trời trôi giạt.

-Không có nước uống. Nước ngọt cần-thiết, không có nước ngọt người ta không sống được, nhưng người xưa đi biển không dễ bị chết như chúng ta ngày nay. Nguồn nước có thể lấy ra ngay từ các hải-sản thâu-lượm được. Vùng Bắc Thái-bình-Dương lại là khu-vực có vũ-độ rất cao. Vì đại-hải-lưu chẩy từ xích-đạo lên mang theo nước nóng đến vùng không khí lạnh, nhiều mây được tạo thành và mưa sẽ nhiều.

Nếu ở California mưa ít, thì Oregon mưa nhiều hơn và Washington State hay Miền Tây Canada còn mưa lớn hơn nữa. Vũ-độ thường-niên tới 2,3 thước nước. Những cơn mưa rào ngoài biển đến thường-xuyên và nặng hạt. Vũ-độ cao chắc chắn đã cứu-thoát nhiều thuyền-nhân !

Nhưng y-sĩ chuyên về thể-dục thể-thao cho biết khả-năng thể-chất của cơ-thể con người dù không cao lắm nhưng không rõ giới-hạn ở đâu. Kỷ-lục thế-vận vẫn tiếp-tục bị phá vỡ và thành-tích siêu đẳng của những fakir cũng chưa được khoa-học hiểu đến tường-tận.

Yếu-tố thể-lực trong việc vượt biển cần được các nhà chuyên-môn nghiên-cứu tận-tường để tìm ra đâu là giới-hạn khả-năng sinh-tồn của con người, và đăc-biệt cho "người biển" lúc xưa. Khả-năng này nếu cao, có thể là yếu-tố quan-trọng lấn áp luôn cả trình-độ kỹ-thuật hàng-hải. Ghe thuyền tồi tệ, nhưng nhờ thể-lực siêu-đẳng người biển vẫn có thể đi và sống sót sau các hành-trình lâu dài, gian khổ. Những ai biết về dân chài hay người nhái đều tin rằng nhờ thể-chất, sức chịu đựng, sự huấn-luyện, tinh-thần quả-cảm, khả-năng thích-ứng... của họ đặc-biệt cao hơn ta đã giúp họ đạt những thành-tích ngoài sức tưởng-tượng bình-thường của chúng ta.

XIII - Kết-Luận

Khả-năng của con người, dù rằng ngay trong thời tiền-sử cũng không quá hạn-chế như đôi khi chúng ta thường tưởng-tượng. Nếu chỉ nhìn thấy trình-độ lạc-hậu của thổ-dân Úc ngày nay, không mấy ai chịu tin rằng nhờ đường biển, tổ-tiên của họ đã đặt chân đến Úc-châu cách nay ít nhất đã 40,000 năm qua. Úc là một vùng đất luôn luôn bị bao bọc bởi đại-dương, chưa bao giờ dính với Á-châu như trường-hợp Mỹ-Á nối-tiếp nhau qua "cây cầu Bering khô ráo" thời Băng-đá. Muốn tới Úc, con người chỉ có một cách độc-nhất là vượt biển và họ đã thực-hiện được bằng những phương-tiện bè mảng chắc chắn là rất đơn-sơ vào thời đó.

Đường bộ, như đã trình-bày ở một đoạn trên, muôn ngàn khó khăn hơn "căng buồm đi biển" vậy mà nhân-loại cũng đã thực-hiện được nhiều chuyến viễn-hành tưởng phải kể như là những kỳ-công. Chỉ trong khoảng tính bằng năm, tháng hay giới-hạn ngắn ngủi của một giai-đoạn trong đời sống, thiếu gì người giống Hung-Nô băng xa-mạc, rừng rậm, chịu đựng đói khát, sương nắng, cướp bóc, thực-hiện chuyến đi phần lớn bằng đôi chân 10,000 dậm từ Mông-Cổ sang tới Pháp và trở về đất cũ. Quân-đoàn Hy-lạp của Alexander the Great, gồm nhiều bộ-binh mang theo thực-phẩm, chiến-cụ; hoàn-tất cuộc viễn-chinh 10,000 dậm, vừa đI vừa tác-chiến, đồng thời thiết-lập căn-bản cai-trị cho một đế-quốc rộng tới 3,000 dậm trong vòng 12 năm." Hai, ba ngàn năm xưa, địa-thế hoang-dã chắc chắn gây nhiều hiểm-nguy hơn là chúng ta có thể tưởng-tượng được. Vậy mà vẫn có người đi, người đến!

Với một dân-tộc hàng-hải tiền-tiến như giống Việt, đã biết đúc đồng, chế sắt chì chuyện dùng thuyền bè "thả trôi" theo hải-lưu tới Mỹ cách nay 2,3 ngàn năm đâu có gì khó khăn. Giả-thuyết này có hy-vọng dễ dàng thuyết-phục mọi người tin-tưởng hơn hơn là chuyện người Hung-Nô hay Hy-lạp xuyên-sơn vạn dậm như vừa kể ở trên.

Tóm tắt lại sự hiện-hữu đương-nhiên của con đường biển đi Mỹ-châu như sau: Bão-tố rất thường-xuyên xảy ra trong vùng quê ta, thổi thuyền bè Á-Đông ra biển, hải-lưu cuốn đưa, gió mùa đẩy tới theo chiều hướng về phía bờ lục-địa Mỹ-châu. Nếu thuyền bè còn nổi và người còn sống sót thì phải có sự tiếp-xúc trực tiếp giữa hai giống dân của Cựu và Tân-thế-giới.

Chúng ta không phải là loài thuỷ-tộc, lại đã sống trên đất nhiều thế-hệ, hầu hết chúng ta dù là truyền-nhân của "người biển" Việt, có lẽ đều sợ biển và luôn luôn bị ám-ảnh bởi những khắc-nghiệt, tàn-bạo của biển cả. Tuy-nhiên trong khi khảo-sát đường biển đi Mỹ-Châu, chúng ta không nên để ảo-tưởng sợ hãi ám ảnh làm sai lạc sự phán-đoán.

Những điều khảo-sát như trên chỉ kể đến tình-trạng một mặt biển bình-thường mà chưa kể đến những trường-hợp đặc-biệt hãn-hữu. Tháng ba, đàn-bà đi biển. Những người hành-thủy nào cũng từng được may mắn trải qua các cuộc hải-trình thuận buồm, suôi gió. Có những chuyến đi êm ái kéo dài nhiều tháng, trời đẹp như giữa mùa xuân, biển êm tựa trong hồ nước...

Cho dù tất cả chứng cớ nào đó về liên-hệ giữa Cựu và Tân-thế-giới trong thời tiền Kha-luân-Bố bị phủ-nhận, sự hiển-nhiên về con đường biển xuyên Thái-bình-Dương vẫn vĩnh-viễn hiện-hữu. Nếu quả thế, chúng ta chỉ còn lại sự duyệt-xét chung-thẩm là ảnh-hưởng những chuyến xuyên-dương đó gây ảnh-hưởng sâu đậm thế nào đến Tân-thế-giới?

Vũ-Hữu-San

Phụ-Chú:

Tài-liệu sau đây của S. Jett nói về khả năng sống sót của con người khi thuyền bè trôi giạt trên biển:

Yet even in our own times numerous adventures have made long ocean voyages in small craft, voyages that seem foolhardy or worse to overcivilized man. Perhaps, though, these voyages were not as dangerous as they may appear to have been. Merrien (1954) lists 120 modern intentional solo and two-man long ocean voyages (see Borden, 1967). Among these are a 17-day voyage from the Cape Verde Islands to Martinique by a pair of Estonians in a 29-foot sloop; a 30-day Atlantic crossing in a 24-foot 8-inch sailing craft by a toe-less, fingerless sailor; William Verity's 68-day passage from Florida to Ireland in a home-built, 12-foot sloop; a sailless, oar-propelled crossing by two men from New York to the Scilly Islands in 55 days in a dory 17 feet, 8 inches long (see also Ridgeway and Blyth, 1967); solo, 93-day crossing from Japan to San Francisco in a 19-foot sloop; a 68-day raft drift from California to Hawaii; a solo voyage in a converted Indian dugout canoe ( bottom length,30 feet ) from Vancouver directly to the Cook Islands, a journey of some 5,500 miles in 56 days, followed by an ultimate landing in England; a solo, 162-day journey in a 19.5-foot schooner 6,500 miles from San Francisco to Australian waters without a single port of call; the solo, three-year, 46,000-mile, round-the-world voyage of Joshua Slocum in the Spray (36 feet, 9 inches); the round-the-world journey of Vito Dumas in a 32-foot ketch, a journey that included a direct 7,200-miIe run in the Roaring Forties from the Cape of Good Hope to New Zealand, on to Valparaiso, Chile (5,400 miles in 72 days), and then around the around the Horn; sixty-six-year-old Francis Chichester's 28,500-mile, one-stop circumnavigation via Cape Horn in a 54-foot ketch; the voyages of Eric de Bisschop-including one with a single companion from Hawaii to Cannes in 264 sailing days in a double canoe, one by bamboo sailing raft some 5,000 miles into the southeastern Pacific from Tahiti (de Bisschop, 1959), and one by raft from Peru 5,500 miles to Rakahanga (Boswell, 1959); the 7,450-mile pontoon raft journey from Peru to Samoa by seventy-year-old William Willis (1965), who eventually sailed 3,000 additional miles to Australia, though suffering an abdominal herni,a, a fractured sacrum, and partial paralysis; four other raft journeys from Peru, with safe landings ranging from the Galapagos to Australia (Heyerdahl, 1966: 704); a journey by three Americans in an old Polynesian outrigger from Oahu to San Francisco (Heine-Geldern, 1952: 357); a trip down the Amazon and on to Miami by an eighteen-year-old in a leaky, 19-foot dugout fitted with sails, including a run of over 850 miles on the Atlantic (Schuttz, 1962); a solo, 72-day crossing of the Atlantic in a 17-foot canvas fold-boat (Lindemann, 1957); an island-hopping expedition by a sixteen-year-okl in a 24-foot sloop from California to South Africa, including a 2,300-nlile run under jury rig due to a dismasting ( Graham, 1968), and a solo voyage in a 6-foot sailboat from Casablanca to Florida in 84 days ( Time, 1968b ) . Even transatlantic races for loners have now been established.

(Stephen C. Jett, "Diffusion Versus Independent Development" in C. L. Riley et al. (eds), Man Across the Sea, Austin and London, 197l, pp.17-18.)

....

To a boatless culture, a river might represent an impassable barrier, wheras a culture with water craft might find the same river its most convellient highwvay. Or the friendliness or ferocity of an intervenillg tribe might make the difference between intensive overland contact and no contact at all. In the case of oceans, the factor of distance is again only one of many affecting likelihood of diffusion; travel with the winds and currents and in storm-free seasons or areas would make voyages of a given distance far easier than if contrary conditions were encountered ( Heyerdahl, 1964). Thus, like the land, the seas have their relative barriers and corridors for the movements of men ( but lack, in the open ocean, intervening peoples with wich to contend). Again, it should be emphasized that travel by boat, following proper routes, was often safer and swifter than land travel in pre-machine-age times. With this in mind, transoceanic journeying should not be too surprising in view of the well-known example tremendously long overland trade routes, such as the Silk Road, and migrations of great length, such as the 10,000-mile journey of the Huns from Mongolia to France and back, the 6,500-mile wanderings over several centuries of the Visigoths in Europe, the campaigns of Alexander the Great and his armies for a dozen years over a route greater than 10,000 miles in length, resulting in the establishment of an empire 3,000 miles long, and the lengthy messianic migrations of Tupian tribes in South America ...

(Stephen C. Jett, "Diffusion Versus Independent Development" in C. L. Riley et al. (eds), Man Across the Sea, Austin and London, 197l, p. 20.)  

Free Web Hosting