ĐọC TÁC PHẩM MớI CủA NGÔ THế VINH :

CỬU LONG CạN DÒNG

BIểN ĐÔNG DậY SÓNG

NHậT TIếN

 

Tựa đề của tác phẩm, tự nó đã mang hai chủ đề lớn : Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng. Đây không phải là tựa đề thích hợp cho một cuốn tiểu thuyết, nhưng chỉ khi nào đọc xong tập truyện, gấp sách lại với bao nỗi niềm xúc cảm dâng lên trong lòng, người đọc mới thấy dụng tâm của tác giả. Ông muốn gửi đến người đọc, không chỉ là những tâm tình khắc khoải, thiết tha mà còn là tiếng kêu thất thanh của một loài chim báo bão về một thảm họa kinh hoàng đang tới, sẽ tới, nhưng giữa một khung cảnh ngổn ngang quá nhiều vấn đề phải toan tính hiện nay, nên rõ ràng thảm họa này chưa được mấy ai chú ý tới. Thực ra, nếu cần xếp loại thì Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng nên xếp vào loại tiểu thuyết tư liệu ( roman documentaire) giống như bên ngành kịch đã có những vở kịch tư liệu ( théâtre documentaire) đã một thời làm sôi động sân khấu thế giới. Thực chất của những tác phẩm văn nghệ có dính dấp nhiều đến vấn đề tư liệu này chính ra chỉ là một thủ pháp chuyển hóa những dữ kiện lịch sử vào nội dung tác phẩm thông qua trí tưởng tượng của tác giả để minh họa thêm những chi tiết cụ thể cho những vấn đề mà tác giả muốn đề cập. Trong văn học Việt nam, những tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật như Ngược Đường Trường Thi, Bà Chúa Chè, Chúa Trịnh Khải, Rắn Báo Oán..vv.. theo tôi là những tiểu thuyết thể hiện rất rõ nét về thể loại tiểu thuyết này. Nhưng dù sao thì đấy vẫn chỉ là phần hình thức bên ngoài trong khi nội dung tác phẩm mới là phần đáng kể. Người đọc khi gấp sách lại, hẳn ai cũng chia xẻ với ông về một chuyện chẳng đặng đừng : vấn đề nêu trong tác phẩm không chỉ là những vấn đề tâm tình muôn thuở của con người mà ta thường thấy trong những bộ tiểu thuyết, nhưng ở đây là những chuyện thiết thân đến đời sống, đến sự sinh tồn của hàng trăm triệu con người thuộc bẩy quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Mà như vậy thì hà cớ phải gò bó những suy tưởng, những đi, những sống, những vốn hiểu biết dồi dào phong phú của mình vào khuôn khổ của tiểu thuyết thuần túy. Ngô Thế Vinh do đó đã để cho ngòi bút của mình xuôi chẩy theo nhu cầu của sự thuyết phục về những điều mà ông muốn gửi gấm đến người đọc. Trên hai muơi ba chương sách dàn trải rất nhiều vấn đề thuộc về thiên nhiên, về con người,về tâm tình thao thức của nhiều nhân vật điển hình, về môi trường sống và cả những mưu toan chính trị, tất cả đã được tác giả đã trình bày khi thì dưới dạng những trang biên khảo cực kỳ phong phú về lịch sử,về phong tục, về tín ngưỡng hay tập quán của nhiều bộ tộc, khi thì là những dữ kiện, những con số, những thống kê khoa học chính xác, và đặc biệt lôi cuốn hơn cả, là những trang du ký sinh động, đầy mầu sắc của nhiều miền đất lạ trên cao nguyên, trên đồng bằng, trong rừng sâu núi thẳm hay ngoài đại dương,những trang ghi chép tuyệt vời đối với những ai chưa có dịp đi và sống. Tuy nhiên dù đa dạng cách nào thì người đọc vẫn nhìn thấy dụng ý của tác giả, đó là sự tổng hợp của nhiều thủ pháp cần thiết để vừa tăng hiệu lực của cuốn sách, vừa để cho những nhân vật tiểu thuyết của ông dẫn dắt người đọc đi vào những ước mơ, những khao khát và những nguyện vọng của con người về những chuyện thiết thân đến đời sống, đến sự sinh tồn của nhiều dân tộc trong đó, dĩ nhiên có Việt Nam. Bằng một giọng văn hết sức đơn giản nhưng có sức tập trung cao độ, Ngô Thế Vinh đã sử dụng những nhân vật của mình làm hướng dẫn viên đưa người đọc đi qua những cuộc hành trình kỳ thú, từ quá khứ xa xăm đến thực tế hiện tại sinh độụng, để từ đó, người đọc bỗng thấy nổi bật lên một điều cơ bản : Họ, những nhân vật tiểu thuyết của Ngô Thế Vinh, như ông Khắc, như bác sĩ Duy, như Cao, như Hộ,như Điền, Thuận, Bé Tư..v.v.. những chuyên viên khoa học thuần túy không những chỉ đang hành sử công tác chuyên môn của mình mà chính họ đã trở thành những người lính tiền phong đang xông vào một mặt trận mới. Đó là mặt trận đấu tranh sinh tồn có ảnh hưởng tới tương lai dân tộc trên cả hàng trăm năm trong một cuộc chiến rộng lớn, cuộc chiến về môi sinh, cuộc chiến về chủ quyền đất nước, cuộc chiến giành lại đất sống sống cho nhiều thế hệ con cháu chúng ta. Với kinh nghiệm già dặn và trình độ chuyên môn phong phú được hấp thụ từ những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới, sự lo lắng và thao thức của họ khẳng định không phải là những cái gì xa xôi phù phiếm nhưng chính là những vấn đề nghiêm túc và cấp bách khiến cho người đọc phải quan tâm. Chẳng hạn như : " Theo tin báo Tuổi Trẻ từ trong nước, mười ngày trước Giáng sinh, ngư phủ Nguyễn văn Chơn và vợ cư ngụ tại huyện Lấp Vò tỉnh Đồng tháp đã lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét, ngang 2 mét và nặng tới 270 kí. Cá Đuối hay Selachian, tên khoa học là Chondrichthyes, thuộc loài cá sụn- Cartilaginous fishes gồm các giống cá mập, cá nhám, cá đuối và là cá nước mặn. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng bằng sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy rất xa biển và trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền.( trang 343). Rồi tác giả viết tiếp : " Nhưng có biết đâu, niềm vui đã nằm trong thiên tai như lời thơ Nguyễn Đình Toàn, bởi vì khi mà nước sông Cửu Long xuống mức thấp nhất so với 73 năm trở lại đây và có nơi mực nước sông chưa được hai thước gây sạt lở hai bên bờ làm thiệt hại nhà cửa và cả nhân mạng. Nhiều chuyên gia Việt Nam ở ngoại quốc và cả trong nước đã lên tiếng báo động về hiểm họa hạn hán với sông Cửu Long có thể cạn dòng do các công trình xây đập ngăn nước của các quốc gia thượng nguồn Thái, Lào và nhất là chuỗi tám con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam, Trung Hoa mà lâu nay chánh quyền Hà Nội vẫn không hề lên tiếng phản đối. Và khi một con cá đuối nước mặn lớn như vậy có thể vào tới Đồng Tháp thì đó là báo hiệu nạn ngập mặn salt intrusion đã vào rất sâu trong vùng châu thổ, nơi vốn là đất của"sữa và mật ngọt" hay đúnghơn vùng đất của " phù sa, lúa gạo, cây trái và tôm cá đầy đồng..."( trang 347).

Đối với tôi, đây không chỉ là một trang sinh động nằm trong một cuốn tiểu thuyết giả tưởng vì thực tế còn sừng sững ở đó. Tác giả cho biết :" Từ những năm 70, Trung Hoa đã có kế hoạch xây một chuỗi 8 con đập - Mekong Cascade - trên thượng nguồn nhưng do thiếu ngân sách nên mãi tới năm 80, con đập đầu tiên Manwan cao 99 mét mới được khởi công. Đập chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao 35 tầng và 13 năm sau mới xây xong ( trang 57). Con đập thứ hai Đại Chiếu Sơn -Dachaoshan -cũng đã được khởi công năm 1996, sẽ tới con đập thứ ba Cảnh Hồng- Jinghong - chủ yếu xuất cảng điện sang Thái Lan. Con đập thứ tư Xiaowan cao 248 m, được coi là con đập mẹ - mother dam-trong chuỗi 8 con đập bậc thềm dự trù xây xong trước thập niên thứ nhất của thế kỷ 21.( trang 58). Vào năm 1993 do một hiện tượng được coi là bất thường xẩy ra khi mực nước con sông Mekong đôĩt ngột tụt thấp xuống mà không vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới biết là do ảnh hưởng của con đập Manwan. ( trang 59)

Sông cạn dòng vốn đã là một thảm họa.Nạn ô nhiễm cũng chẳng kém kinh hoàng hơn. Tác giả cho biết : " Từ Nữu Ước tới California, từ Thái Lan qua Lào, Cam Bốt sang đến Việt Nam xuống tới mũi Cà Mâu, đi tới đâu Cao cũng thấy tràn ngập các món hàng Trung Hoa. Có bao nhiêu trong số các món hàng ấy xuất phát từ những khu chế xuất tỉnh Vân Nam dọc hai bờ con sông Mekong? Con sông vốn trinh nguyên trong suốt cả ngàn năm ấy đang có những đổi thay thật mau chóng. Với 28 khu hầm mỏ đang được triệt để khai thác nơi thượng nguồn con sông Mekong, trong đó có cả những mỏ chì, mỏ kẽm là nguồn ô nhiễm nặng nề nhất. (trang 246). Con chim báo bão Ngô Thế Vinh đã đưa ra hình ảnh bi thương của thảm kịch Minamata bên Nhật Bản để minh họa cho tương lai đen tối của đồng bằng Sông Cửu :

" Vào những năm 50 ở Nhật, dân làng Minamata bỗng nhiên chứng kiến một hiện tượng lạ : những con mèo bắt đầu nhẩy múa điên cuồng, lên cơn co giật rồi sau đó là chết. Sau mèo tới người, phụ nữ sinh quái thai, trẻ sinh ra sống sót thì cũng bị dị tật bẩm sinh và chết dần......đó là do công ty hóa chất Chisso đã đổ các chất phế thải kỹ nghệ có thủy ngân xuống vịnh Minamata tạo ra một chu kỳ nhiễm độc trước hết trên các loại rong tảo tôm cá; tiếp theo là các động vật như mèo và dân cư sôáng trong vùng bị nhiễm độc gián tiếp do ăn phải hải sản có hàm lượng thủy ngân rất cao. Tumoko Uemura như một điểủn hình., một thiếu niên 17 tuổi tại làng Minamata ngay từ lúc sinh ra đã mù lòa câm điếc co quắp biến dạng không còn là hình người. Tumoko sống như cây cỏ, hoàn toàn trông nhờ vào bà mẹ tâm hồn thì đẹp đẽ và vô cùng ẩn nhẫn nhưng cũng rất can trường phấn đấu cho nhân phẩm và sự sống còn của đứa con......No more Minamata. Nhắc lại tấn thảm kịch ấy như điều tâm niệm của mỗi người dân đang cư ngụ nơi lưu vực sông Mekong, khi mà mỗâi ngày chúng ta phải sống với đủ loại nước thải đổ xuống từ các khu kỹ nghệ khổng lồ Vân Nam và cả từ Thái Lan.. ( trang 513,514).

Từ biên giới phía tây của đất nước với những vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long, bước qua biên giới phía đông, không thể không nhắc tới vấn đề chủ quyền và biên giới lãnh hải.Tham vọng tiến chiếm biển Đông là điều Trung Quốc không bao giờ dấu giếm." Giở tấm bản đồ Asia Pacific mới nhất của National Graphic, một cơ sở mà trước đây Kham ( một nhân vật của Ngô Thế Vinh đã từng trải qua hầu hết các biến cố lớn lao trên đất nước) vẫn tin là có uy tín với tính khoa học vô tư, nhưng Kham đã không nén được sự bực bội. Khi vẽ vùng biển Đông, cả khu vực mà họ gọi là South China Sea gần như hoàn toàn giống với ranh giới lịch sử lưỡi Rồng của Trung Hoa với ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và Kham cũng đã không ngạc nhiên khi thấy cũng trên tấm bản đồ ấy cả ranh giới xứ Tây Tạng bị xóa nhòa trong cái trật tự mênh mông của lục địa nước Trung Hoa ( trang 368)....Riêng tại miền Bắc, các cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam chẳng những không có một tiếng nói đòi chủ quyền còn tự nguyện dâng cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Bắc Kinh. Bức công hàm ngoại giao 14-09-58 gửi Trung Hoa của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Côĩng Hòa do thủ tướng Phạm văn Đồng ký với nội dung " tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-58 của chính phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc quyết định về hải phận của Trung Quốc" Mười tám năm sau, báo Sài Gòn Giải Phóng 05-1976, vẫn tiếp tục bênh vực cho nội dung kỳ quái của bức công hàm ấy : " Việt Nam Trung Quốc là hai nước anh em, sông liền sông, núi liền núi. Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là ngườì đồng chí mà còn là người thầy tin cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi. Khi nào chúng ta muốn nhận lại quần đảo này Trung Quốc sẽ sẵn sàng giao lại". Nhưng chính người đồng chí và người thầy tin cẩn ấy, 14 năm sau (14-03-88) không những đã không trả Hoàng Sa mà còn dùng võ lực cưỡng chiếm luôn các đảo Trường Sa của người đồng chí Việt Nam anh em. Chỉ trong một trận hải chiến ngắn, họ đã bắn chìm tầu hải quân Việt Nam, tàn sát không nương tay ngót 100 thủy thủ Việt trên biển Đông thuộc vùng lãnh hải Việt Nam. ( trang 375,376).

Công bằng mà nói, chuyện chấp nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc vào năm1958 là một dữ kiện đen tối của lịch sử, tuy nhiên nó đã nằm trong quá khứ. Trận hải chiến xẩy ra ở Biển Đông trong tháng 3 năm 1988 với sự hy sinh của ngót 100 thủy thủ Việt Nam như tác giả đã trình bầy ở trên, cùng với những tin tức Việt Nam xây cất đồn lũy trên một phần của những hòn đảo này vào thập niên 90 cũng đã chứng tỏ nhà nước Cộng Sản Việt Nam đang cố gắng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ khi bị ngoại bang lấn chiếm. Đã có những cuộc thương thảo gay go giữa phái đoàn hai nước về vấn đề chủ quyền Biển Đông, và gần đây nhất theo tin báo chí, cuộc đàm phán lãnh hải từ 8 đến 12 tháng 9-2000 đã đi đến bế tắc, hai bên không đạt được sự thỏa thuận nào dù hứa hẹn sẽ vẫn còn tiếp tục trong tương lai. Nói cho đúng, cuộc đàm phán về lãnh hải này đương nhiên là sẽ phải gay go vì phía Trung Quốc hẳn sẽ dựa trên bức công hàm ngoại giao do Thủ Tướng Phạm văn Đồng đã ký ngày 14-9-1958 để làm lập trường thương thảo. Đây là một hệ lụy của quá khứ mà nhà nước VN hiện nay phải gánh vác.Nhưng tôi mong mỏi rằng sẽ chẳng vì thế mà VN lại phải có những nhượng bộ nào khác để các cuộc thương thuyết sau này có cơ hội thoát ra khỏi được sự bế tắc. Trong tâm khảm của người Việt Nam thì Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bất cứ một sự nhượng bộ nào dù lớn hay nhỏ cũng đều sẽ để lại cho thế hệ con cháu chúng ta mai sau những di lụy mà tác hại của nó không biết đâu mà lường trước được. Mọi người Việt Nam dù là ở trong hay ngoài nước, theo tôi nghĩ, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ hơn nữa về vấn đề này để biểu dương ý chí cương quyết gìn giữ đến cùng từng tấc đất di sản của tiền nhân.

Biển Đông đã dậy sóng, nhưng đó không phải là lần đầu. Chính phủ và Quân lực VNCH cũng đã từng quyết tâm giữ vững chủ quyền Việt Nam trước tham vọng không ngưng nghỉ của bá quyền Trung Quốc. Nhà văn Ngô Thế Vinh đã ghi lại những dòng tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng cảm xúc như sau :

" Kham nguyên là hạm trưởng của một trong 4 chiến hạm cũ kỹ của Mỹ để lại từ thời Thế chiến Thứ Hai, tham dự trận hải chiến tại Hoàng Sa năm 1974 chống một hạm đội đông đảo của Trung Quốc với những phóng pháo hạm Kronstadt có trang bị hỏa tiễn tầm xa lại có cả phản lực cơ Mig 21 yểm trợ trên không. Chính anh là nhân chứng máu và nước mắt của những con tầu Việt Nam chiến đấu đơn độc trên Biển Đông, chứng kiến lòng yêu nước vô hạn, ý chí quyết tử cũng như sự hy sinh dũng cảm vô bờ của các đồng đội, nhất là của thủy thủ đoàn trên con tầu Nhật Tảo ở những giờ phút cuối cùng, ý chí sắt thép không chịu buông tay súng để rời con tầu đắm. Họ đã là những thủy thủ tận trung với nước mà vị quốc vong thân,......Kham và những người lính đã đánh một trận đánh hết sức mình, với nỗi uất hận của cả ngàn năm nô lệ : họ đã trút hết hỏa lực vào đầu địch, đã bắn đến viên đạn cuối cùng cho tới khi tất cả các dàn đại pháo bất khiển dụng. Họ chỉ còn chờ lệnh cho các con tầu hướng về Hoàng Sa chuẩn bị ủi lên đảo, dùng xác tầu và xác mình để làm chứng tích chủ quyền."' (trang 365).

Như vậy, chặn dòng sông Cửu, lấn chiếm biển Đông, cái khát vọng bành trướng ngàn đời của phương Bắc, không còn chỉ thuần túy mang hình thức của đoàn quân ồ ạt Nam tiến như trong quá khứ của lịch sử mà thể hiện trong một trận địa mới, trận địa môi sinh có sức tàn phá mãnh liệt, lâu dài và khủng khiếp hơn. Đó là điều mà người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, cả trong lẫn ngoài nước phải ghi nhớ nằm lòng. Cụ thể và thiết thực hơn thế nữa, Ngô Thế Vinh đã gửi đến giới trẻ một thông điệp hay thân ái hơn, một lời kêu gọi, nhắn nhủ qua nhân vật Kham : " Kham đã đôĩng viên lớp người trẻ, không phải là sung vào quân đội chí nguyện cầm súng ra trấn giữ các hải đảo mà là chuẩn bị một đội ngũ trí tuệ trong mọi lãnh vực khoa học, đặc biệt là các ngành hải dương học, địa chất, môi sinh và cả về Luật Biển, Quốc tế Công pháp. Họ sẽ là thành viên không thể thiếu trên các bàn hội nghị hay trước các Tòa án Quốc tế trong tương lai."( trang 371)......"riêng Kham đã khuyến khích đứa con trai rất xuất sắc của anh, thay vì học Y khoa ở UCSF nay chuyển qua học Luật ở Stanford chuyên về Quốc tế Công pháp và Luật Hàng Hải. Anh có niềm tin sắt đá là cho dù vùng biển, vùng đảo đã bị Trung Cộng dùng võ lực cưỡng chiếm và phải mất bao nhiêu năm nữa thì sớm muộn cũng " Châu về Hiệp Phố " ( trang 371).

Trong một lần tiếp xúc, tác giả đã nói với tôi, với sự nhã nhặn là khi viết tác phẩm này, ông chỉ coi như một việc làm gợi ý, một tín hiệu chuyển đến nhiều giới, đặc biệt là giới trẻ, mong họ quan tâm hơn đến một vấn đề mà trong bối cảnh chính trị trong nước và ngoài nước hiện nay, vẫn còn đang bị lu mờ. Tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng ông đã đóng góp hơn thế rất nhiều sau khi đã tận dụng tâm sức vào việc hoàn tất tác phẩm khá đồ sộ này. Ông đã cống hiến cho người đọc những trang bút ký cực kỳ đẹp đẽ, đã dàn trải trong tác phẩm một khối lượng thông tin vô cùng phong phú về lịch sử, về nhân văn, về môi sinh, về các vấn đề chính trị quốc tế trong toàn vùng Đông Nam Á. Và trên hết, ông đã gióng lên được một tiếng chuông tuy có thể vẫn còn là một trong những tiếng chuông đơn lẻ cùng với Nhóm Bạn Cửu Long của ông, nhưng vô cùng kịp thời và cần thiết về những vấn đề vô cùng trọng đại của tương lai đất nước, tương lai của các thế hệ con cháu chúng ta.

Trong cương vị của một người đọc, tôi phải cám ơn tác giả đã mang cho tôi rất nhiều kiến thức về những vấn đề mà tôi không có điều kiện để nghiên cứu hay đào sâu, thêm vào đó là những xúc cảm, những bùi ngùi, những xót xa, những niềm hãnh diện cũng như tủi hổ trên các chặng đường lịch sử đã qua của đất nước cũng như của những thập niên trong tương lai gần gũi sắp tới. Tôi cũng đón nhận được từ nơi ông một mối quan tâm vô cùng sâu xa về tinh thần liên đới trách nhiệm của bất cứ ai còn nhận mình là người Việt Nam, và tôi mong mỏi tất cả mọi người hãy cùng tôi chia xẻ điều ấy bằng cách tìm đọc tác phẩm mới này của nhà văn Ngô Thế Vinh do nhà Văn Nghệ ở Nam Cali ấn hành.

 

California tháng 9, năm 2000.

NHậT TIếN

Free Web Hosting