Những Tương-Đồng Mỹ-Việt Về Thảo Mộc và Nông-Nghiệp

Vũ Hữu San

I - Đông-Nam-Á và Giả-Thuyết Nơi Khai-Sinh Ngành Trồng Trọt

Hàng chục ngàn năm trước đây, nhân-loại ở khắp nơi trên trái đất đã khám-phá ra là những cây cỏ hoang-dại hay thú-vật có gía-trị để làm thực-phẩm nên họ bắt đầu trồng cấy cây cỏ hay gia-súc-hóa loài-vật. Nông-nghiệp và chăn nuôi từ đó phát-triển.

Hình 1- Tiến-trình phát-triển của nhân-loại từ lúc ban-sơ chuyển sang săn-bắn, nông-nghiệp rồi thành-lập thành-thị.

Tại Việt-Nam đã từ lâu người ta biết chắc chắn rằng tổ-tiên chúng ta khai-sinh việc trồng lúa ruộng nước để giúp cho nhân-loại một trong những loại thực-phẩm quan-trọng nhất. Gần đây nhờ những khám-phá mới trong ngành khảo-cổ, một số khoa-học-gia như A.G. Haudricourt & Louis Hedin (1944), E. Werth (1954), H. Wissmann (1957), Carl Sauer (1952), Jacques Barrau (1965, 1974), Soldheim (1969), Chester Gorman (1970)... đã lập-luận vững chức và đưa ra những giả-thuyết cho rằng vùng quê-hương Đông-nam-Á của chúng ta là nơi khai-sinh nền nông-nghiệp.

Tiến-sĩ Wilhelm G. Solheim phát-biểu rằng: "Tôi đồng-ý với Sauer là việc gây giống cây đầu tiên trên thế-giới đã được thực-hiện bởi người dân thuộc nền văn-minh Hòa-Bình ở vùng Đông-Nam-Á. Chẳng phải là điều ngạc-nhiên đối vớI tôi nếu như thành-tích đó đã khởi-sự sớm, từ 15,000 năm TTL.".

Sauer mà Soldheim đã đề-cập là nhà địa-lý-học lừng danh Carl O. Sauer. Sách đem dẫn-chứng là một sấp tài-liệu nhan đề Agricultural Origins and Dispersal, ấn-hành bởi hội The American Geographical Society, New York, 1952.

Trong sách đó, Sauer viết như sau :" Về cái nôi của nền nông-nghiệp đầu tiên, tôi xin thưa rằng ở Đông-Nam-Á. Nơi này quy-tụ đầy đủ những điều kiện khác nhau cần-thiết về vật-lý thể-chất, hóa-học hữu-cơ, khí-hậu ôn-hòa với cả hai vụ gío mùa, với chu-kỳ mùa mưa ẩm ướt và mùa khô tạnh ráo, sông nước tiện cho viêc đánh cá, đất này là trung-tâm-điểm giao-thương cả đường biển lẫn đường bộ của Cựu-thế-giới. Không có nơi nào mà vị-trí lại thích-hợp và có đủ yếu-tố cung-cấp cho sự phát-triển nền văn-minh hỗn-hợp giữa nông và ngư-nghiệp tốt hơn nữa. Tôi (lời Sauer) sẽ chứng-minh rằng ở trong vùng đất này, ngay từ khi khởi-thuỷ, nông-nghiệp đã gắn chặt với ngư-nghiệp; rằng ở đây người ta gia-súc-hóa loài vật trước hết và đúng nghĩa, phải là trung-tâm chính của thế-giới về kỹ-thuật trồng cây và cải-biến thảo-mộc để gia-tăng rau trái. Tôi chấp-nhận tiên-đề quen-thuộc là loài người học hỏi cách trồng cây trước khi biết làm mùa với cách reo hạt giống" (trang 24-25).

Hình 2- Việt-Nam trong Đông-Nam-Á, Bắc Việt-Nam và vùng duyên-hải Hoa-Nam có cùng một môi trường thảo-mộc.

Một số khoa-học-gia không công-nhận Đông-Nam-Á là trung-tâm phát-sinh nông-nghiệp mà chỉ xếp hạng nó vào trung-tâm thứ-yếu. Một số khá đông các nhà nghiên-cứu khác cho rằng Hoa-Nam là trung-tâm chính-yếu phát-sinh trồng trọt song song với các trung-tâm khác ở Trung-Đông và „n-Độ.

Vì địa-thế miền Bắc Việt-Nam giống như Hoa-Nam và yếu-tố nhân-chủng có liên-hệ trong cổ-thời nên cho dù đứng trên cả hai lý-luận tưởng như khác nhau đó, ta vẫn thấy Việt-Nam có một chỗ đứng vững-chắc trong những giả-thuyết về việc khởi đầu ngành trồng trọt. ít nhất, xứ ta cũng đã từng nắm giữ những vai trò tiền-phong trong lãnh-vực đó.

Trước khi phát-triển được nngành trồng trọt các lọai cây ăn trái và ngũ cốc, nhân-loại đi ngang qua giai-đoạn sử-dụng các loại củ để ăn. Khi khoa khảo-cổ đi vào lãnh-vực thưc-phẩm, ngườI ta thấy một sự hiển-nhiên là vùng dất Đông-Á chúng ta đích-thưc là nơi phát-sinh nhiều loại củ, rễ cây.

Đến nay, vẫn còn có nhiều sự bất đồng trong giới khoa-học về các trung-tâm khởi-thủy nông-nghiêp. Tuyvậy, các Ông Burkill và Sauer đều rất tự-tin; họ đưa ra các chứng-cớ rằng Á-Đông chính là nguồn gốc của các thứ khoai. Sau đó theo đường hàng-hải, khoai Á-Đông đươc phân-tán đi các đảo ngoài Thái-Bình-Dương, Phi-Chân và Mỹ-Châu. (Alexander, John: 1970, "The Domestication of Yams: A Multi-disciplinary Approach," in: Science in Archaeology: A Survey of Progress and Research, 2nd edition, revised and enlarged, edited by Don Brothwell and Eric Higgs, pages 229-234, Praeger: New York)

II- Mỹ-Châu, Nguồn Cung-Cấp Thực-Phẩm Cho Nhân-Loại.

— Mỹ-châu, nông-nghiệp khởi-sự rất sớm và phát-triển mạnh. Bách-khoa Từ-Điển Funk & Wagnalls New Encyclopedia cho biết: ít nhất kể từ thời-gian 2,000 năm TTL, hầu hết thổ-dân Mỹ-châu sống bằng nông-nghiệp. Ngô bắp là thực-phẩm thông-dụng nhất nhưng một số cây cho hạt cũng nhiều... Nhiều loại rau đậu, bầu bí mọc cạnh cây ngô, nhiều thứ khoai được trồng trên giẫy núi Andes và cây sắn (khoai mì) trong vùng rừng núi nhiệt-đới ở Nam-Mỹ. Những loại cây này cũng như lạc (đậu phọng), bông vải, cacao, bơ (avocados) và nhiều thứ khác đã được người Da Đỏ gây giống từ cây cỏ hoang-dại và cải-biến thành mùa màng trù-phú.

Hình 3- Những trung-tâm phát-khởi nông-nghiệp tại Mỹ-Châu

Trong sách Kingdoms of Gold, Kingdoms of Jade - The Americas before Columbus, xuất-bản ở Luân-Đôn năm 1991, Brian M. Fagan cho rằng nhân-loại nhờ vả vào sự tiến-triển nông-nghiệp của Mỹ-châu rất nhiều :

"Trước khi Kha-luân-Bố đổ-bộ lên quần-đảo Bahamas, người Da Đỏ Mỹ-Châu đã biết cách trồng hàng trăm loại ngô, sắn (khoai mì), lạc (đậu phụng) và cả khoai tây. ít nhất có tới 3,000 thứ khoai tây khác nhau đã được trồng ở vùng giẫy núi Andes trước thời Pizzaro, các loại khoai này cũng đã thấy ở Mexico và vùng Navajo, Tây-Nam nước Mỹ. Hiện chỉ còn khoảng 250 thứ khoai tây này được thu-hoạch quy-mô tại Hoa-Kỳ. Thổ-dân Mỹ-châu đã cung-cấp cho nhân-loại tới hơn 2 phần 3 nông-phẩm trồng-trọt ở khắp thế-giới ngày nay. Những hoa-lợi này đã cải-thiện tình-trạng thực-phẩm, tạo nên sự gia-tăng dân-số và thay đổi bộ mặt nhiều quốc-gia".

Hình 4- Những nông-phẩm Mỹ-Châu cung-cấp cho thế-giới.

III- Ý-Thích Gây Giống Thảo-Mộc - Nơi Những Tâm-Hồn Lớn Gặp Nhau ?

Nền văn-minh Thảo-mộc "Civilisation du vegetal) trái với các nền văn-minh Thạch Đá mà người ta quen gọi là "civilisation de la pierre", như ta trông thấy ở Ai-Cập và Mễ-tây-Cơ. Việt-Nam và Nam-Mỹ tuy nằm trên hai bán-cầu Bắc và Nam riêng rẽ nhưng lại cùng thuộc trong vùng nhiệt-đới, cây cỏ xanh tốt quanh năm.

Hình 5- Sự khác-biệt giữa quang-cảnh cây cỏ xanh tươi vùng nhiệt-đới so sánh với vẻ cằn cỗi vùng ôn-đới và sự tiêu-điều vùng hàn-đới

Có lẽ không có nơi nào trên thế-giới mà quang-cảnh vườn cây, rau trái trồng trọt lại tương-đồng với Trung-Mỹ và bắc-phần Nam-Mỹ bằng Đông-Nam-Á nói chung và Việt-nam nói riêng. Paul Tolstoy đã cho rằng trong danh-sách liệt-kê về văn-hóa của Trung-Mỹ, có tới 55 phần trăm hay hơn nữa các đặc-tính đến từ Đông-Nam-Á (Transoceanic Diffusion and Nuclear Mesoamerica trong sưu-tập Prehispanic America, edited by Shirley Goreinstein, trang 122-144, 1974, New York). Riêng về thảo-mộc, trên sườn đồi cũng làm rẫy, xuống đất bằng cũng có những vườn ngô, vườn dừa, vườn chuối, vườn bông, đồng khoai, đồng đậu, nơi trồng đậu phọng, chỗ trồng dưa, dàn bầu, dàn bí, rau thơm, rau húng cạnh nhà

Hình 6- Quang-cảnh vườn tược Mỹ-châu vào thế-kỷ thứ 16.

Không phải quang-cảnh về nông-nghiệp Việt-Mỹ chỉ mới khởi-sự giống nhau vào thời-gian gần đây khi các phương-tiện giao-thông, chuyển-vận được dễ dàng, giúp con người di-chuyển mau lẹ khắp thế-giới mà những sự tương-đồng đó đã khởi-sự từ rất lâu trong cổ-thời. Trở lại với Carl O. Sauer, mà ta đã đề-cập đến ở trên về "khám-phá việc khai-nguyên nền nông-nghiệp đầu tiên của nhân-loại ở Đông-Nam-Á", cũng lại là khoa-học-gia đưa ra nhiều nhận-định mới về gốc rễ việc trồng trọt ở Tân-thế-giới. Với chứng cớ đầy đủ và xác-đáng, Sauer đi đến kết-luận là nền nông-nghiệp Mỹ-châu mặc dù được phát-triển trên một địa-bàn riêng rẽ nhưng lại lại có cùng gốc rễ căn-bản đi từ nền nông-nghiệp Á-châu vùng gió mùa nhiệt-đới. (Agricultural Origins and Dispersals, 1952, tái-bản MIT Press: Cambridge, 1969 :54-57).

Hình 7- Cảnh nương rẫy Mỹ-châu.

Hai nơi Việt-Mỹ xa nhau đúng nửa vòng trái đất mà lại có sự tương-đồng về cùng một thành-tích quan-trọng là chuyển-hóa nền văn-minh nhân-loại của Cựu và Tân-thế-giới từ trạng-thái du-mục săn-bắn qua định-cư nông-nghiệp. Việc nghiên-cứu sâu xa những giao-tiếp nếu có, qua trung-gian việc trồng trọt các loài thảo-mộc được dân hai nơi thực-hiện là một lãnh-vực chuyên-môn cần sự tham-gia của các nhà thảo-mộc-học. Tuy nhiên trong giai-đoạn sơ-cứu, người viết xin sử-dụng một số tài-liệu có sẵn ở thư-viện, gạn lọc lại và trình-bày một vài khía cạnh sơ-đẳng mà thôi.

IV- Giá-Trị Minh-Chứng Của Thảo-Mộc

Rau cỏ, cây trái mà con người trồng trọt đóng những vai-trò quan-trọng trong đời sống con người. "Hồi sơ-khai, những công-trình quan-trọng nhất cuả loài người đều có liên-hệ đến nông-nghiệp và các phương-cách sinh sống mà nền nông-nghiệp đã tạo-lập nên được" (Civilization- Past and Present, Wallbank, Taylor and Bailkey, Illinois, 1967: 9). Phần lớn những cây cỏ hữu-ích cho nhân-loại cần sự chăm sóc của con người và chính con người cũng thường bị lệ-thuộc vào chúng đến nỗi hoạt-động của nhân-loại có thể phải điều-hành theo với chu-kỳ của mùa màng.

Theo sự nghiên-cứu của Hugh C. Cutler và Leonard W. Blake: "thảo-mộc nhân-dụng ở một khu-vực trong một thời-gian nào đó, khác-biệt với thảo-mộc nhân-dụng ở một khu-vực khác trong một thời-gian nào khác. Tập-hợp toàn-thể những cây có ích. hoang-dã hay trồng cấy, ăn được hay dùng được để làm giây buộc, vải vóc, thuốc men, trang-hoàng; tạo nên một kiểu-mẫu độc-đáo mà người ta chỉ nhận-diện ra được khi các yếu-tố đều được chỉ-định rõ ràng. Mức-độ tương-đồng giữa hình-ảnh của "tập-hợp" này với "tập-thể" khác trong một địa-điểm khác hay thời-khoảng khác sẽ phản-ảnh những liên-hệ về văn-hóa và các điều-kiện của môi-trường chung quanh" (Travels of Corn and Squash, Sưu tập Man across the Sea, Austin, 1971).

Tiến-sĩ Georges F. Carter phát-hiện sự quan-trọng phải khảo-sát đến cây cỏ khi nghiên-cứu sự giao-tiếp giữa Mỹ-châu và thế-giới cổ-thời như sau : "... Tôi (lời Carter) bắt đầu bằng cây cỏ và thấy những sự nghiên-cứu này hữu-ích nhất. Vì vòm cửa vòng cung, số không, bánh xe, hệ-thống toán-học, lịch, và cả những gì bạn có thể nói đến, các người theo phái "phát-minh/ chuyển-hóa độc-lập" cũng đều cho là những phát-minh đó có thể cùng đến từ nhiều nguồn-gốc riêng-biệt. Tuy nhiên với cây cỏ và súc-vật lại khác, họ không thể (áp đặt) cái tiên-kiến như vậy. Loài người có thể biến-cải cây cỏ và súc-vật nhưng không thể nào sáng-chế (phát-minh) ra chúng được..." (Why I Am No Longer a "Standard Americanist, trong Anthropological Journal of Canada, Vol.13, No.4, 1975: 2-8).

Cũng với ý-niệm là một loại cây cỏ nào đó không thể cùng được "phát-minh" độc-lập ở nhiều nơi, Carter đã bàn-luận đến phương-cách chọn lựa cây cối để minh-chứng có sự giao-tiếp hai nơi như sau:

"Cây cối cung-cấp những minh-chứng hiển-nhiên. Không có cây cối nào lại do nhân-loại phát-minh. Hơn nữa, sự hiển-nhiên còn nằm ở một số điều-kiện cần-thiết ... Cây phải đúng là cùng một thứ (identical plant). Người ta cần phải chứng-minh rằng thứ cây này mọc ở cả hai bờ Thái-bình-Dương. Thích-hợp hơn nếu cây cùng có những công-dụng như nhau tại hai nơi. Thứ cây đó lại là thứ không thể nào được phân-tán hạt hay mầm giống bằng dòng nước biển, bằng chim, bằng gió. Lý-tưởng hơn, nếu tìm ra những ý-tưởng có vẻ dị-biệt liên-hệ đến cái cây ấy, chẳng hạn như chỉ có thể đặt ra một giả-thuyết là do người mang đi mà thôi - Ideally it would have some nonrational ideas associated with it, such as could be accounted for only by a presumption of human transfer of the plants - (Sưu-tập Plants and the Migrations of Pacific Peoples, edited by Jacques Barrau, Honolulu, 1963)

Hình 8- Hình Thần nông-nghiệp ở Mỹ, chung quanh là các mầm cây non mới mọc.

 

V- Những Tương-Đồng Về Thảo-Mộc

Khi xem xét về cây cỏ khắp thế-giới, nhà thảo-mộc-học I. H. Burhill nhận ra rằng một số rau cỏ, cây trái, củ, rễ cây ăn được đã do con người theo mang khi vượt biển qua lại trên Thái-bình-Dương. Ông đưa nhiều dẫn-chứng hợp-lý trong bài "Habits of Man and the Origins of the cultivated Plants of the Old Worlds", báo Proceedings, Linean Society of London, 164(1), 1953: 12-42.

Edgar Anderson thiết-lập danh-sách các loại cây trái biết chắc chắn đã được khai-thác ở hai bán cầu trước thời Kha-luân-Bố đặt chân tới Mỹ-châu: ngô, bông, lạc, bầu bí, đậu, ớt, dưa, dừa, nho, ổi, đu-đủ, dưa hấu. (Plants, Man and Life, 1952, tái-bản London, 1954).

Hugh C. Cutler và Leonard W. Blake, trong phần cuối của bài khảo-cứu dẫn-chứng ở một đoạn trên, nơi trang 375, đã đưa ra phần nhận-định liên-hệ đến vùng quê-hương chúng ta như sau: "...sự tương-đồng giữa mùa màng tại Đông-Nam-Á giống như ở Peru và Chile của Tân-thế-giới chỉ rõ rằng đã có nhiều giao-tiếp chặt chẽ ... "

Trong bản báo-cáo của Học-viện Smithsonian, Orator Fuller Cook cho biết: "sự trồng trọt các loại cây không có hạt giống như khoai lang, khoai tây, khoai sọ, mía và chuối của những dân nguyên-thủy trên các hải-đảo Thái-bình-Dương, dọc duyên-hải Á-châu và Mỹ-châu cùng với những sự kiện liên-hệ cho chỉ-dấu đã có nhiều giao-tiếp cận kề giữa các nền văn-hóa nông-nghiệp dọc theo bờ Thái-bình-Dương và „n-độ-Dương." (Food Plants of Ancient America, Annual Report of the Board of Regents of the Smithsonian Institution, 1903: 481-497).

Các nhà thảo-mộc-học có thể bất-đồng-ý với nhau trong nhiều chuyện nhưng chắc chắn đã gặp nhau ở một điểm là cùng đồng-ý rằng sự trồng trọt các loại cây có củ ăn được rất quan-trọng ở Mỹ-châu thời cổ. Tìm khắp nơi trên thế-giới, người ta không thể thấy nơi nào có đặc-tính tương-tự như vậy ngoài khu-vực Đông-Nam-Á. Nơi vùng bán-nguyệt phì-nhiêu ở Cận-Đông đã hẳn nhiên không giống mà cả đến "cái nôi của nền văn-minh Trung-Hoa" tuy nằm gần chúng ta mà sự trồng-trọt cũng khác hẳn. Jonathan Norton Leonard đưa ra nhận-xét sau:

"Nông-gia vùng Cận-Đông và vùng Bắc nước Tàu đều cùng khởi-sự tìm xem làm sao để canh tác các loại cỏ (thân thảo) như lúa mì, lúa mạch mà hàng năm họ reo bằng hạt. Nhưng ở vùng khí-hậu nhiệt-đới Đông-Nam-Á, một phương-thức canh-tác hoàn-toàn khác-biệt đã phát-triển, đặt căn-bản trên những rễ (hay củ) ăn được, sống quanh năm như khoai sọ, khoai lang... Cho đến nay, những loại hoa-mầu này vẫn còn giữ phần chính-yếu trong số lượng thực-phẩm hàng ngày".

Đi sâu hơn một chút về từng loại cây cỏ Việt-nam ta có nhiều bằng-chứng giao-tiếp như sau :

 

A- Thực-phẩm qúy-gía nhất ở Mỹ : Ngô.

— Mỹ-châu, ngô hay bắp là nguồn thực-phẩm chính-yếu, trồng khắp nơi từ nhiều thiên-kỷ trước đây. Còn ở Việt-Nam, ngô cũng như lúa gạo từ lâu là một trong những thực-phẩm chính-yếu nuôi sống dân ta.

Không còn điều gì ngờ vực trong sự kiện hiển-nhiên là chính Mỹ-châu đúng là nơi phát-sinh cây ngô và thổ-dân ở đó trồng ngô trước hết. Vấn-đề ngô có phân-tán đi các vùng khác trên thế-giới hay không, trước thời Kha-luân-Bố vẫn thường được mang ra tranh-luận.

Hình 9- Hình vẽ đầu-tiên của Âu-châu về cây ngô ở Mỹ.

Ngô là kết-quả một công-trình kiên-nhẫn của con người cách nay đã 8,000 năm, đi từ một loài cây dại có hạt rất nhỏ ...

Sau một chuỗi dài những thí-nghiệm lai giống giữa các loại ngô chọn lọc, người Da Đỏ đã tạo ra những thứ cây ngô như hiện nay. Bắp ngô gồm những hạt ngô mọc ra từ một cái lõi. Để bảo vệ hạt ngô, nông-dân Da Đỏ đầu tiên đã gây giống loại ngô bắp có những lớp lá bao bọc như một cái áo chống với thời-tiết và các loài chim, loài sâu phá hoại. Lớp áo này cũng ngăn không cho ngô tự đông nẩy mầm trừ khi có bàn tay người bóc cái vỏ, tách hạt ngô ra rồi ươm xuống đất. Đương-nhiên, ngô hiện nay không còn thể mọc hoang được nữa, sự sinh-tồn của nó chỉ còn nằm trong tay con người mà thôi. (Indian Givers- How the Indians of Americas transformed the World, Jack Weatherford, New York, 1988: 85).

Hình 10- So sánh cây ngô và cây cỏ dại Teosente.

Hình 11- Giả-thuyết về sự biến cải cỏ dại Teonsente thành Ngô.

Cho đến thời-gian gần đây, người Âu-châu vẫn tin rằng chỉ sau thời Kha-luân-Bố, Cựu-thế-giới mới biết đến ngô và ngay sau đó, ngô được trồng khắp nơi trên trái đất. Michael A. Weiner viết: "Việc canh-tác ngô là phần đóng góp lớn nhất của thổ-dân Mỹ-châu trong nguồn cung-cấp thực-phẩm cho cả thế-giới" (Man's Useful Plants, New York, 1976:trang 18).

Sự thật có lẽ khác hẳn vì các cuộc khảo-cứu mới nhất cho biết ngô đã xuất-hiện ở Á-đông hàng ngàn năm nay. Chứng-cớ được tìm thấy rất nhiều và có thể dẫn đến ngộ-nhận là ngô được trồng đầu tiên ở Đông-Dương. Thật thế, ngô được trồng từ lâu ở Cựu-thế-giới nhưng phát-xuất tại một nơi nào đó, không phải xứ ta. (Bài khảo-cứu "Le mais n'est pas originaire de l'Indochine", Haudricourt, André G., trong Proceedings of the 30th International Congress of Americanists, Cambridge, England, 1952: trang 160-161).

Trong những nhà khoa-học chuyên khảo-cứu sâu rộng về ngô trồng ở Mỹ và Đông-Nam-Á, ta cần kể đến tên Tomasz Marszewski. Công-trình tìm-kiếm của ông được đăng trên nhiều tạp-chí khoa-học khác nhau ở Warsaw, Krakow, Ba-lan và ở Mỹ. Sau đây là tóm lược các điểm chính:

1- Tomasz phân-tách ra ba "chuỗi danh-từ nông-sinh" (three series of cultigen names) mà chuỗi đầu tiên gồm có các tiếng gọi "ngô" ở Việt-nam : "kotor","tôr" của người Jarai, cùng với các tiếng "turu", "tara" vùng Nam-Mỹ. Trước đó, ông đã loan-báo việc tìm thấy các phấn hoa rất xưa của ngô đã hóa-thạch ở Á-châu. (Some Implications of the Comparative Studies of the Vernacular Names of Maize and Other Cultigens from South-East Asia, Part 1 & 2, 1987: 101-102 & 105-105, báo Sprawozdania z Posiedzen Komisji Naukowych, Polska Akademia Nauk, Oddzial w Krakowic 28, Warsaw - phần trích-yếu bằng tiếng Anh)

2- Tomasz đặt giả-thuyết về những loại ngô giống cổ xưa đã được đưa vào Đông-Nam-Á từ Mỹ-châu trước thời Kha-luân-Bố do những thủy-thủ khu-vực Việt-Nam (hay Chàm) mang theo trên đường từ Mỹ-châu khi trở về nhà. Sách Tàu thế-kỷ thứ 13 đã đề-cập đến ngô trồng ở các xứ sở phương Nam. Cũng trước đó, ông đã suy-luận ra sự giao-tiếp Á-Mỹ có thể đã sẩy ra hàng ngàn năm trước công-nguyên.(The problem of the Introduction of "Primitive" Maize into South-East Asia, Part 1 & 2, 1978, báo Folia Orientalia 16, 1975: 237-260 & 19, 1978: 127-163, Krakow; và Similarities between the Asiatic and American Indian Languages, báo International Journal of American Linguistics 26, 1960: 265-274).

Gần đây nhất, những tài-liệu của nhà Sinh-vật-học Carl L. Johannessen được công-bố tại cuộc hội-nghị Circum-Pacific Prehistoric Conference ở Seattle, vào tháng 8/ 1989 đã đưa ra bằng-chứng hiển-nhiên là ngô hiện-diện tại Á-châu hàng ngàn năm xưa. (Maize Diffusion to India Before Columbus Came to America, Reprint Proceedings, Washington State University Press, 1989). Johannessan lại cùng với Anne Z. Parker hợp soạn bài "Maize Ears Sculptured in 12th and 13th Century A.D. India as Indicators of Pre-Columbian Diffusion", cho đăng trên báo Economic Botany 43: 164-180. Tài-liệu này được trình-bày trong cuộc hội-nghị các nhà Địa-lý-học Mỹ-châu La-tinh (Merida, 1987). Các tác-giả cho thấy ít nhất tại 3 nơi đền thờ gần Mysore Nam-„n có những hình-tượng bằng đá với 23 chi-tiết hình-thái-học (morphology) rõ ràng về ngô bắp đã xuất-hiện ở „n từ thế-kỷ thứ 12 hay thứ 13.

Chỉ có những chuyến hải-hành xuyên Thái-bình-Dương trước Kha-luân-Bố mới có thể mang ngô từ Mỹ-châu về Việt và về „n được.

Hình 12- Tượng đá vào thế-kỷ thứ 12 ở Nam-„n rõ ràng có tạc hình bắp ngô.

(Hình của Johannessen, báo Economic Botany 43).

Về ngôn-ngữ, chúng ta có thể quả quyết là danh-tự Bắp đã xuất-hiện trong Việt-ngữ từ rất lâu đời. Theo ông Bình-nguyên-Lộc thì các tự-điển xưa đã thấy ghi là miền Bắc vẫn nói Bắp trước khi nói Lúa Ngô. Ông Bình còn đưa ra một biểu-đồ (biểu-đồ số 167) cho rằng không phải chỉ Việt-Nam, mà cả các dân láng giềng như Thái, Cao-Miên và các người Thượng sống trên cao-nguyên cũng biết đến ngô và phát-âm tiếng bắp thành Bốt, rất tương-tự. (Nguồn gốc Mã Lai của Dân tộc Việt Nam, trang 635). Những sắc dân này ít tiếp-xúc với bên ngoài .....

Vì ngô và gạo có gía-trị hàng đầu trong nguồn cung cấp thực-phẩm ở Mỹ và ở Việt, sự chú-tâm nghiên-cứu về phương-cách trồng trọt, sử-dụng và chế-biến chắc chắn sẽ mang lại thêm dẫn-chứng về sự giao-tiếp Việt-Mỹ. Chẳng hạn như ở xứ ta có bánh đa thì Mỹ có tortilla, ta dùng lá chuối gói cơm hay sôi bắp thì Da Đỏ cũng làm tương tự ...

Chứng-cớ sau đây có thể được đặc-biệt chú-ý. Đó là thói quen của dân ta hay ngâm gạo hay ngô vào nước vôi trước khi xay bột gạo làm bánh đúc hay bung ngô cho nở lớn, có thể là một điều học hỏi từ Mỹ-châu đem về.

Bách-khoa từ-điển Funk and Wagnalls New Encyclopedia khi đề-cập đến thực-phẩm trong mục American Indian cho biết người Da Đỏ từ xưa đến nay vẫn thường ngâm ngô với vôi trước khi nấu ăn để lấy thêm chất calcium.

Cách-thức rang ngô bắp cũng lại giống nhau. Để tạo nhiệt-độ cao cho ngô khi rang được nở đều, người Việt chúng ta và thổ-dân Mỹ-châu thường dùng cát, đá bỏ vào đáy chảo, trước khi bỏ ngô vào để giúp cho hạt bắp nở đều.

 

B- Đóa hoa Việt-nam từ viễn-xứ : Dâm-bụt Việt, Hồng-trà Tàu hay Hibiscus Mỹ.

Vào năm 1938, một nhà điểu-loại-học (ornithologist) người Hoà-lan tên Van de Piji công-bố trên biên-niên-sử "Annales du Jardin Botanique de Buitenzorg" ở Nam-Dương là đã khám-phá ra một điều độc-đáo về loại hoa dâm-bụt Hibiscus Rosa Sinensis. Thứ hoa này cánh rất mềm mỏng, với những đặc-điểm khác hẳn các loại hoa khác ở Á-châu là chỉ có thể kết trái được nếu có loài chim hummingbird hút mật hoa này và giải phấn hoa lên nhị cái hoa kia (pollinate).

Sự liên-hệ đặc-biệt giữa Hummingbird và Hibiscus được xác-nhận sau đó bởI các nhà thảo-mộc-mộc khác như các chuyên-gia về "thụ-tinh do chim chóc"(Grant and Grant, 1968) và chuyên-gia về Hibiscus (Gottsberger,1972). Tất cả đồng-ý rằng giống cây hoa này ngày xưa có thể xuất-xứ từ vùng Trung-Mỹ hay Peru Nam-Mỹ.

Hummingbird là loài chim nhỏ sống ở Mỹ-châu, có khả-năng bay nhanh nhưng cũng có thể giữ nguyên vị-trí như phi-cơ trực-thăng nên dễ dàng hút mật hoa từ không trung. Các loài chim Á-châu chỉ hút nhuỵ nếu đậu được trên cành cây hay cành hoa. Các chim này không có khả-năng như hummingbird nên không giúp hoa dâm-bụt kết trái được. Những con ong, cái kiến cũng không làm việc trung-gian truyền giống trên loại hoa đó. Chỉ có chim hummingbird là lý-tưởng nhất trong nhiệm-vụ này.

Trong trường-hợp muốn trồng dâm bụt, người ta phải đào nguyên cây hay có thể dùng rễ, cắt ra trồng lại (The New Garden Encyclopedia, Linda Timko Gonzalez, 1976, Benner Press, USA).

Hình 13- Đặc-tính của dâm-bụt theo giáo-sư Phạm-hoàng-Hộ.

Gần đây, George F. Carter thâu-thập được tất cả các tài-liệu liên-hệ, gồm cả sách vở Trung-hoa, tổng-hợp lại và đi đến lý-luận vững-chắc như sau :

1- Người Tàu lấy giống cây hoa dâm bụt này từ vùng Nam-Việt (Bắc Việt-Nam và Lưỡng-Quảng) vào thời chúa Christ. Những thiên-tài hàng-hải vùng đất này kể rằng họ đã lấy giống hoa nhiều thế-hệ trước từ một đại-lục nằm dưới chân trờI đông-hải. Vậy sự nhập-cảng của loài cây Mỹ-châu này sẩy ra trong thiên-kỷ thứ nhất TTL., quá xa xưa với sự hiểu-biết ngày nay ...

2- Có sách ghi rõ ràng là cây dâm-bụt lại từ Trung-hoa mang sang Ba-Tư cùng thời chúa Christ. Sự giao-tiếp giữ Đông-Nam-Á và Trung-Mỹ có thể minh-chứng qua một giống cây, kỹ-thuật xay thực-cốc, làm giấy, trang hoàng liên-hệ các bình hình viên-trụ. Cả cục-diện này được hiểu rộng ra một phần giống như trong các sách vở, tài-liệu Heine Geldern viết về ảnh-hưởng rộng lớn của Đông-Sơn đối với Mỹ-châu (Mexican Sellos: Writing in America, or the growth of an idea, sưu-tập Diffusion and Migration: Their roles in Cultural Development, edited by P. G. Duke, trang 186-201, University of Calgary, 1978).

Lý-luận của Carter xem ra khá vững chắc và nếu được công-nhận, các nhà thảo-mộc-học nên huỷ-bỏ các tên Hồng-trà Tàu, Hibiscus Ba-tư hay Hibiscus Trung-Hoa ... mà thay vào đó bằng cái tên chính-danh là "hoa Dâm-bụt Việt" để ghi-nhận công-trạng hàng-hải xuyên-dương của người xưa.

Hình 14- Hummingbird là loài chim Mỹ-châu lý-tưởng nhất trong việc hút nhuỵ hoa dâm-bụt hiện mọc nhiều ở Việt-Nam.

 

C- Bầu Bí .

Trong những cây trái, rau cỏ ăn được, nhiều giống chỉ có thể di-chuyển đi xa được nhờ con người mang theo. Dòng nước sông, biển đôi khi cuốn trôi bầu bí. Nước ngọt và cả nước mặn không giết chết những hạt ở trong cái vỏ cứng cáp nhưng cây non không có cơ hội mọc lên ở xứ lạ. Các trái bầu già chứa hạt được bao bọc trong vỏ cứng, cần bàn tay con người ta làm bể lớp vỏ ra, phơi khô hạt và ươm xuống đất thì hạt mới nẩy mầm.

— xứ ta, bầu bí có nhiều loại làm thực-phẩm từ xưa đến giờ, rất được ưa thích. Ngày xưa vỏ nó làm đồ dùng như bát ăn cơm, bầu đựng rượu và cũng dùng làm dụng-cụ âm nhạc nữa. Loại bầu giống Việt-Nam chắc chắn đã được dân ta cải-biến nhiều, ít phải chăm sóc, lại lớn rất nhanh. Những trái bầu Việt-Nam có thể dài tới 7 bộ Anh. Kỷ-lục trái bầu lớn nhất này, do một người Hung đoạt được khi trồng bầu ở Debrecen. (Sách Guinness Book of World Records, 1981 edition, trang 117, đề-mục Largest Cucumber).

Tại Mỹ, người Da Đỏ rất thích bầu bí, cũng ăn tươi, cũng phơi khô, cũng lấy vỏ làm bầu để đựng và làm thành nhạc khí ưa thích nhất là cái .....

Carleton S. Coon cho biết những yếu-tố liên-hệ đến việc trồng trọt bầu bí (tên khoa-học là Lagenaria Siceraria) như sau:

- Những thảo-mộc thường dùng như các chứng-minh hiển-nhiên có sự thẩm-nhập từ ngoài vào Mỹ-châu, hiện nay xoay quanh 4 giống cây chính : Bầu bí, bông, khoai và ngô.

- — Đông-Nam-Á, người ta lấy vỏ bầu làm chai lọ, chén bát, nhạc-cụ cũng giống như ở Trung và Nam-Mỹ .

- Bầu bí được trồng ở cả Cựu và Tân-thế-giới trước năm 2,000 TTL với giả-thuyết vững chắc nhất là được tay con người mang theo khi vượt Thái-bình-Dương. (The Story of Man - From the First Human to Primitive Culture and Beyond, New York, 1955).

Hình 15 - Người Nam-Mỹ, cũng như người Việt dùng bầu đựng nước, đựng rượu.

Hình 16 - Đàn bầu Việt và lục-lạc Mỹ.

 

D- Bông vải.

Bông là loại cây kỹ-nghệ rất quan-trọng, được trồng để lấy nguyên-liệu dệt thành vải. Theo Coon, cũng trong sách dẫn-chứng trên: "Cây bông (Gossypium) đã được trồng sớm, khoảng năm 2,500 TTL ở cả Peru và thung-lũng sông Indus ... Không như bầu bí, những giống bông này không cùng một loài ... Cây bông dại Á-đông (Gossypium arboreum) có 13 nhiễm-sắc-tố loại nhỏ ... Cây bông dại Mỹ-châu (Gossypium raimodii) có 13 nhiễm-sắc-tố loại lớn. Bông trồng ở Á-đông đã được cải-tiến từ loại cây dại bản-xứ, vẫn giữ 13 nhiễm-sắc-tố nhỏ. Cây bông trồng ở Mỹ-châu (Gossypium barbadense) có 26 nhiễm-sắc-tố, 13 thuộc loại nhỏ và 13 thuộc loại lớn. Các nhà chuyên-môn về gây giống bông thương-mại tin-tưởng rằng barbadense ở Mỹ là kết-quả lai giống giữ thứ bông dại Mỹ và thứ bông trồng ở Á-đông (trang 354-355)".

— trang 359, Coon bàn đến phương-tiện chuyên-chở đường biển như sau : "Nếu bông „n-độ và bầu bí (Á-đông) được đem qua Mỹ bằng đường biển từ Đông-Nam-Á trước năm 2,500 TTL, thì những người (ĐNÁ) phải là những nhà hàng-hải thời Đồ Đá... Hai đường đi được xem xét. Đường phía Bắc Thái-bình-Dương, dọc theo quần-đảo Aleutian... Đường thứ hai băng „n-độ-Dương ngang qua mũi Hảo-Vọng, rồi Nam Đại-tây-Dương..."

Hình 17- Hình cây bông vải.

 

E- Khoai.

Khoai là một nông-phẩm quan-trọng của người Việt-nam, đã từ lâu được dùng thay thế gạo làm thực-phẩm chính khi lúa mất mùa. Trong những loại khoai thì khoai tây (potato) có lẽ hội nhập xứ ta trễ nhất. Các loại khác gồm có : khoai lang, khoai sọ, khoai môn, khoai nước, khoai nghệ, khoai mài , khoai sáp... Như một số rau có củ khác, khoai không có hoa để kết hạt. Khoai không thể nhờ bất cứ một phương-tiện nào "di-chuyển" để mọc lại nơi khác nếu không có con người ta mang củ nó đi và dâm lại trong đất.

Hình 18 - Cây khoai và củ khoai.

Khoai được bàn đến nhiều lần vì những chứng-cớ phân-tích trong phòng thí-nghiệm và ngôn-ngữ gọi tên khoai ở Mỹ, ở Đại-dương-châu và ở Đông-Nam-Á đều đưa đến kết-luận là chỉ con người mới có khả-năng mang loài rễ này đi từ Mỹ-châu ra các xứ xa xôi. Những loại khoai lang, khoai sọ chắc chắn đã cùng xuất-hiện ở cả hai bờ Thái-bình-Dương trước thời Kha-luân-Bố rất lâu. Sau đây là tóm-lược một số lý-luận:

1-Khoai lang, Kumar và Củ mài.

Paul Rivet có lẽ đáng được kể là học-giả bỏ ra nhiều thì-giờ và công-lao nhất trong việc nghiên-cứu liên-hệ giữa các khu-vực Đông-Nam-Á, Úc-châu và Đại-dương-châu; đối với Mỹ-châu. Những sách và bài ông viết bằng tiếng Pháp đăng trên nhiều tờ báo, xuất-bản khắp nơi trên thế-giới từ năm 1909 cho đến 1958, trong đó đáng để-ý nhất là những phần khảo-sát về khoai liên-hệ ra sao với các mối giao-tiếp giữa các vùng đất kể trên. Rivet cho rằng tên gọi khoai Kumar-Kumara của Mỹ-châu liên-hệ đến tên gọi khoai tại Đa Đảo, đến New Guinea thành Kumala và lan cả đến ngôn-ngữ Mon-Khmer cùng các thổ-ngữ ở „n-độ : Kumadjang (Java), Kemarung (Saka - Pahang), Kemahang (Malay và Semang - Kedak), Kambar (Madagascar), Kamalu (Bangali), Kumara (Telugu), Kumali, Gumeli (Sunda), Kamal (Cachemise). Các tiếng gọi tên khoai đó đều có chung những âm Kuma, Kema, Kama ... (Les Origines de l'homme Américain, 1957, Paris- xuất-bản lần thứ sáu).

Người Việt chúng ta cũng có một loại khoai rất ngon, thường dùng làm bánh là Củ Mài, cách phát-âm in hệt Kumar của thổ-dân Mỹ-châu.

Khoai có thể từ Mỹ mang về Việt-Nam trước khi qua Trung-Hoa. Học-giả Ping-ti-Ho (Bỉnh-thế-Hà) tìm ra trong các cổ-thư một tài-liệu có thể tin được là tên gọi khoai (kan-shu) dùng từ khoảng năm 300 Tây-lịch để chỉ Kumara, loại khoai này là một thứ thảo-mộc phương Nam (Nan-fang Ts'ao-mu Chuang) (Studies on the Population of China, 1368-1953, Harvard University Press, Cambridge, 1959: 186).

2-Khoai sọ.

Người Việt dùng khoai sọ làm thực-phẩm rất nhiều, chỉ sau khoai lang. Các nhà thảo-mộc-học, gồm cả Charles A. Reed cho rằng khoai sọ cùng với lúa gạo được khởi-sự trồng ở Đông-Nam-Á cách nay chừng 8,000 năm, nhiều ngàn năm trước khi người Tàu biết cách trồng lúa mạch (khoảng 3 hay 4,000 năm TTL).

Diễn-tiến ngành trồng trọt khoai sọ và lúa tại vùng bán-đảo nằm cạnh Trung-Hoa và „n-Độ được Richard S. MacNeish tóm lược qua các lý-thuyết của A. G. Hadricourt & Louis Hedin (1944), E. Werth (1954), H. Wissmann (1957), Carl Sauer (1952), Jacques Barrau (1965, 1974) như sau: "Vì thấy môi-trường sinh-sống nhiều cây cỏ xanh tốt mà những dân di-chuyển lang thang ngày xưa ngừng lại. Một khi đã định-cư, nhờ có sẵn nhiều nguồn thực-phẩm, họ có thì-giờ rảnh rỗi nên tìm hiểu thêm về cây cỏ. Có lẽ loại cây có củ ăn được như khoai sọ được mang ra trồng trọt trước hết. Sau đó, ngẫu nhiên họ thấy trong vườn khoai sọ một giống luá dại (Oryza Sativa) nên khởi-sự việc trồng lúa ruộng khô, tiếp theo chuyển qua việc trồng lúa ruộng nước. (The Origins of Agriculture and Settled Life, University of Oklahoma Press, 1992).

Một số nhà khoa-học trong đó có Salvador Canals Frau tin-tưởng rằng khoai sọ được mang vào Mỹ-châu bởi những dân gốc Mã-lai-Á. (El taro (Colocasia antiquorum) y su introduccion en América, báo Runa 7(2), 1956-1957: 232-240).

Hình 19 - Khoai sọ

Nguồn-gốc Mã-lai-Á của dân-tộc chúng ta đã được nhiều học-giả chứng-minh khá vững chắc. Ngoài các bản tường-trình của những nhà nhân-chủng-học ngoại-quốc mà phần lớn được viết bằng Pháp và Anh-ngữ, ta có thể tìm thấy các tài-liệu Việt-ngữ của các ông Nguyễn-khắc-Ngữ, Bình-nguyên-Lộc, Nguyễn-đăng-Thục ...

Robert F. G. Spier cho rằng khoai sọ được khám-phá đầu tiên ở Đông-Nam-Á, có lẽ vùng Assam, sau đó dân Đông-Nam-Á trồng loại khoai này rất nhiều trong khoảng thời-gian cách nay 2,000-2,500 năm. Dù khoai sọ thấy mọc ở Mỹ-châu nhưng không có nghĩa là một sản-phẩm nguyên-thủy phát-sinh ở Tân-thế-giới, mà đã được mang qua từ Đông-Nam-Á. (Some Notes on the Origin of Taro, báo Southwestern Journal of Anthropology 7, 1951: 69-76).

Trong bảng liệt-kê những chứng-cớ hiển-nhiên và sớm sủa nhất về nông-nghiệp của nhân-loại, Charles A. Reed ghi rằng khoai sọ và lúa đã được trồng ở Đông-Nam-Á 8,000 năm trước đây. ( Origins of Agriculture: Introduction, sưu-tập Origins of Agriculture, edited by Charles A. Reed, Netherlands - Chicago, 1977).

 

F- Cây mồng gà -Rau dền.

Mồng gà (Amaranth) là tên gọi chung cho những cây thân thảo có hoa không tàn sau khi cắt, đặc-biệt chủng-loại Amaranthus thuộc "gia-đình" Amaranthaceae. Loại này gồm khoảng 50 thứ cây mà phần lớn thấy trong vùng nhiệt-đới... Vì nhờ cái bẹ mầu đỏ bao quanh thân, nhánh hoa khi khô vẫn giữ được vẻ tươi-tốt một thời-gian. Thứ hoa này được coi như tượng-trưng cho sự bất-tử (Funk & Wagnalls New Encyclopedia, đề-mục Amaranth).

Chữ Amaranth trong ngôn-ngữ Tây-phương dùng để chỉ mầu sắc tím, đỏ thẫm giống máu, đôi khi mịn như nhung. Người Việt gọi tên cây mồng gà cũng vì lý-do mầu sắc của hoa. Cây rau dền của ta cũng chính là Amaranth. Khi dền còn non, cành lá mềm, ăn rất ngon. Các nhà Thảo-mộc-học biết chắc chắn là loại amaranth đã được trồng từ lâu ở cả Á và Mỹ-châu để dùng làm đồ ăn, nhưng về nguyên-thủy ở đâu trước thì chưa có sự đồng-ý.

Hình 19- Cây mồng gà.

Oakes Ames cho rằng Amaranth cũng như các loại bầu bí (lagenaria) giữ vai-trò quan-trọng về kinh-tế (Economic importance) trên cả hai nơi Cựu và Tân thế-giới trước năm 1492, là sản-phẩm nguồn-gốc Á-Đông (Economic Annuals and Human Cultures, 1939, in lại Botanical Museum of Harvard University: Cambridge 1953: 33-39)

Edgar Anderson qủa-quyết không còn nghi ngờ gì nữa, loại mào gà Á-châu đúng là thứ cây khai-thác bởi dân Aztec và Inca ở Mỹ-châu.(The Evolution of Domestication, sưu-tập Evolution after Darwin, Vol.2, edited by Sol Tax, Chicago 1960: 70-71)

Jonathan D. Sauer bày tỏ kết-quả nghiên-cứu của ông về mối liên-hệ canh nông giữa Á-Mỹ, đề-cập tới một số cây liên-hệ đến việc thờ cúng (ceremonial plants) trong cổ-thời. Loại amaranth có hạt trắng ở Mễ-tây-Cơ, cũng được trồng lấy hạt (grain crop) khắp Đông và Nam Á-châu (trong vùng có Việt-Nam).(The Problem of Introduction of New World Grain Amaranths to the Old World (Resume), báo-cáo Proceedings of the 37th International Congress of Americanists, Mar del Plata, Argentina, 1966, 4: 127-128).

 

G- Cây thuốc lá.

Kha-luân-Bố hay những người đi theo ông sau này có thể là những dân Âu-Châu đầu tiên nhìn thấy quang-cảnh một người hút thuốc thở khói mù mịt. Sách vở Tây-phương ghi chép thuốc lá chỉ có ở Mỹ-châu. Nhưng thật ra trước thời đó, dân Á-châu và dân Phi-châu cũng đã từng hút thuốc lá từ lâu.

Nhiều chứng cớ tỏ rằng dân Việt đã trồng trọt cây thuốc lá. Chúng ta có nhiều loại điếu, thuốc dùng để hút, ăn trầu, dùng làm vị thuốc chữa bệnh...

Nhiều loại cây thuốc lá trồng ở các điạ-phương sản-xuất các loại thuốc lá mà hương-vị khác nhau. Không riêng gì người Kinh, người Thượng và các dân-tộc láng giềng như Lào, Miên cũng đều hút.

Những tranh cổ vẽ hình các bậc phú-hào, các vị trưởng-thượng, các nhà giáo khả-kính thời xưa ngồi bên bộ điếu cổ

Người Tây-phương đầu tiên đến cao-nguyên xứ ta, đã thấy đồng-bào Thượng hút thuốc lá. Danh từ Tobaco cũng giống Toca, là thuốc cá (tức dùng một loại lá cây làm thuốc độc bỏ vào nước cho cá bị ngộp nổi lên rồi bắt).

 

VI- Những Chuyện Xa Gần Liên-Hệ Đến Thảo-Mộc

Ngoài những dẫn-chứng trực-tiếp liên-hệ đến cây cỏ như đã lược kể như trên, các nhà khoa-học còn khám-phá ra nhiều điểm khác đáng đề-cập đến.

Nhằm mục-đích chứng-minh rằng văn-hóa Việt đã ảnh-hưởng tới Mỹ-châu qua phương-diện canh-nông, ta có thể viện-dẫn thêm các bằng-chứng về sự tương-tự như sau:

1- Kỹ-nghệ chế-biến vỏ cây, dệt và nhuộm vải (Transpazifische Kulturbeziehungen: Studien zu ihrer Geschichte - Liên-hệ văn-minh xuyên Thái-bình-Dương: Nghiên-cưú Sử-học - Wolfgang Marchall, Munich 1972: 135-143).

Toàn-bộ kỹ-thuật phối-hợp việc dệt và nhuộm vải của thổ-dân vùng núi Ande và vùng Mexico thời cổ có thể nói xuất-xứ từ Hoa-Nam hay Đông-Nam-Á.

2- Thủy-lợi

Ta đã biết rằng tổ-tiên ở nước Văn-Lang xưa đã biết lợi-dụng nước sông lên để đem nước vào ruộng. Vì lúa là một cốc loại cần có nước luôn mới sống và lớn lên được, dân quê phải hết sức làm thế nào cho nước ở ruộng khi nào cũng có cho nên ngay từ đời thượng-cổ, họ đã phải chăm lo về vấn-đề thủy-lợi. (Việt-nam Văn-Hóa Sử cương, Đào-duy-Anh , 1938). Người Việt thời cổ cũng nổi tiếng cả việc đào sông, khai ngòi. Sử-Lộc có công thực-hiện Linh-cừ ở vùng Hoa-Nam, một công-trình tương tự kinh Panama nhưng 2,000 năm cổ-kính hơn.

Thổ-dân Mỹ-châu, dù bị coi là chậm tiến trong nhiều lãnh-vực kỹ-thuật nhưng cũng như dân ta thời cổ, được coi là siêu-việt trong các công-trình dẫn-thủy nhập-điền như vậy.

Hình 20 - Dẫn-thủy nhập-điền của dân Mỹ-châu.

Ngoài ra còn nhiều chứng-cớ khác về sự tương-tự Mỹ-Việt như sau:

-Hình hoa sen, hoa súng là những mẫu hình trang-trí thông-thường nơi các đền đài

-Cây cỏ dùng trong nghề thuốc

-Huyền-thoại cây cối, hoa, trái hoá ra ngươì

-Nông-dân cầu thần mưa, tương-trưng bằng cóc, bằng voi. Họ tin có những người đàn-bà mát tay trồng cấy sẽ mang nhiều hoa-lợi.

-Cùng trồng chuối, đu đủ, dừa trước thờI Kha-Luân-Bố.

-Đồ khô được ưa chuộng

-Canh-tác ruộng rẫy (giẫy) trên sườn đồi

-Cùng ưa thích đồ ăn nhiều gia-vị, thích các loại rau thơm, rau đắng, trái cay ...

VII- Nông-dân Và Thủy-Thủ

Tại Đông-Dương trong cổ-thời, nông-nghiệp và ngư-nghiệp hỗ-trợ nhau cùng tiến-triển. — Mỹ-châu, tuy việc đánh cá không được phát-triển mạnh mẽ, nhưng vai trò nhỏ bé của ngư-nghiệp dọc theo các vùng duyên-hà, duyên-hải; cũng đã hỗ-trợ nông-nghiệp. Tại vai nơi như bờ biển giáp giớI Hoa-kỳ/ Gia-Nã-Đại ngày nay, vai-trò của ngư-dân thật quan-trọng, nâng cao mức sống con người.

Đâu đó ở chương này hay trong tập sơ-cứu mà quý-vị đang đọc, chúng tôi có đề-cập tới sự liên-hệ chặt chẽ giữa nông-nghiệp và hàng-hải ở xứ ta ngay từ cổ-thời. Một khi dân Việt cổ đã tiến-bộ song song trong hai lãnh-vực ấy, tất-nhiên họ có nhiều cơ-hội mang đi truyền-bá nền văn-minh của họ dọc theo đường biển đại-dương. Tuy vậy trên đường tới Mỹ-châu, nếu như thật-sự họ có đến đó thì, số thuỷ-thủ chuyên nghề biển chắc chắn đã chiếm hầu hết, trong khi thành phần nông-dân thật nhỏ bé. Do đó ảnh-hưởng hoạt-động hàng-hải Việt ở Mỹ chắc chắn sẽ rõ rệt hơn là những ảnh-hưởng ghi-nhân được về nông-nghiệp.

Tại Mỹ-châu, vì nông-nghiệp tiến-triển trong khi hoạt động hải-hành hay đánh cá của thổ-dân không được phát-triển, nên người ta không mấy lạ lùng trong sự kiện hiển-nhiên là khoa-học đã không ghi-nhận được chỉ-dấu phiêu-lưu của họ qua Cựu-thế-giới.

Cũng có người thắc-mắc hỏi tại sao lúa gạo không có ở Mỹ trong cổ-thời. Biết đâu lúa gạo lại đã một thờI có tại Mỹ-Châu và điều này sẽ được khoa khảo-cổ-học tìm thấy câu trả lời trong tương-lai như đào được gạo hoá-thạch tại Tân-thế-giới chẳng hạn. Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể tạm suy-nghĩ những sự kiện tương-tự như sau:

-Sự kiện cho đến nay chưa tìm thấy chứng-cớ nào về lúa gạo ở Mỹ có thể giúp phái "Độc-lập" giữ vững thành-trì "Mỹ-châu hoàn-toàn biệt-lập" hay không thì ta không biết nhưng nếu những giao-tiếp Việt-Mỹ xảy ra từ hàng ngàn năm TTL, thì có lẽ dân Việt đi biển thời đó cũng chưa biết nhiều về cách trồng lúa. Vả lại, dân Việt chuyện về lúa nước, mà loại lúa này cần thật nhiều nước, có lẽ nó đòi hỏi hàng chục lần số lượng nước dùng cho cây ngô. Đất Mỹ-châu thời đó không thích-hợp được

-Nhiều nước giao-thương với nước ta thường-xuyên mà vẫn không trồng lúa, vẫn không ăn cơm gạo như ta. Cho đến thế-kỷ 20, nhiều nơi trên thế-giới còn chưa biết dạng cây lúa thế nào.

-Đôi đũa rất tiện lợi. Sản-phẩm nông-nghiệp đã đẩy nền văn-minh nhân-loại lên một bước lớn lao. Theo một nhà khảo-cứu Việt-Nam đã nói, đôi đữa phải là do giống dân trồng lúa gạo như dân ta phát-minh, không phải dân lúa mạch, bánh bao mà nghĩ ra được. Nhiều giống dân sống cạnh dân ta cũng biết vậy nhưng vẫn tiếp-tục bốc bằng tay.

-Lúa mì mang văn-minh đến cho toàn cõi Âu-châu và phần lớn vùng Tây-Nam Á-châu. Lúa mạch xây-dựng cả nền văn-minh nước Tàu thời cổ. Người Việt không trồng cấy các thứ lúa mì, lúa mạch bao giờ đâu.

Người thuỷ-thủ, từ muôn đời, vốn dĩ vẫn là loại người ưa kể chuyện đường xa nhưng không mấy ngườI đủ khả-năng dễ-dàng thuyết-phục người nghe trên lãnh-vực xa lạ với anh ta như nông-nghiệp! Phần lớn những người Việt cổ tới Mỹ cũng tương-tự như vậy mà thôi.

VIII- Kết-Luận

Nền văn-hóa cổ Mỹ-châu thường được đồng-hóa với nền văn-minh nông-nghiệp. Cho đến nay, rất ít người sống trên vùng đất mới này học hỏi, nghiên-cứu để hiểu biết đủ về nền văn-minh đó, và tất cả nhân-loại đã không ngờ rằng đời sống hiện-tại dễ dàng hơn xưa nhờ những công-trình khai-phá về nông-nghiệp đã được thực-hiện bởi tổ-tiên những người Da Đỏ nhiều ngàn năm trước đây.

Ngay cả chính người Đông-Nam-Á nói chung và người Việt-Nam nói riêng như chúng ta cũng có thể đã quên-lãng từ lâu những kỳ-công của tổ-tiên trong việc khai-sinh ngành trồng-tỉa, tạo-lập mùa màng, khai-thác hoa-lợi đất đai v.v... nếu như không có những tường-trình nghiên-cứu mới đây về khảo-cổ liên-hệ đến các sinh-hoạt cổ-thời.

Câu chuyện "An-Tiêm và trái dưa đỏ" đã được người Việt chúng ta kể đi kể lại nhiều lần qua hàng ngàn năm qua. An-Tiêm được vua nhận làm con nuôi là một người gốc Mã-Lai, rất được vua cha thương mến. Thời Hùng-Vương, người Việt và người Mã-lai qua lại thường -xuyên. Chuyện An-Tiêm đã kể lại những hoạt-động, biến-chuyển thời cổ-nhân ngang dọc trên đại-dương đến Tân-thế-giới. Trái dưa hấu phải chăng là chứng cớ viễn-du ngày xưa ?!

Trong kho tàng ca-dao lưu-truyền trong dân-gian Việt-Nam, nhiều câu liên-hệ đến hoạt-động nông-nghiệp cổ-thời biết đâu cũng có thể trở thành những bằng-chứng vững chắc cho việc chứng-minh rằng dân Việt ta đã từng canh-tác nhiều giống cây trái Mỹ-châu trước thời Kha-luân-Bố. Chúng tôi xin đơn-cử một thí-dụ lấy trong quyển "Thi-Văn đời Trần" của hai giáo-sư Hoàng-xuân-Hãn và Nghiêm-Toản, nơi trang 11 mà người ta đọc được hai câu ca-dao sau đây:

"Bao giờ đến tháng giêng hai

Trồng bông, trồng đậu, trồng khoai kịp thì."

Bông, đậu, khoai đã được xác-nhận là nguồn-gốc Mỹ-châu. Nếu lại chứng-minh được thơ-văn trên vào đời nhà Trần (1225-1413), ta lại có thêm một chứng-tích lớn hỗ-trợ giả-thuyết "Việt-Mỹ giao-tiếp hàng ngàn năm trước đây"...

Con người chỉ thực-sự tiến bước văn-minh khi có hiểu-biết nông-nghiệp. Khả-năng này giúp nhân-loại tự cung-cấp đủ thực-phẩm, ngừng lại định-cư và tiến dần đến việc thiết-lập làng xóm... Sau đó, con người tiếp-tục tiến lên các trình-độ văn-minh cao hơn. Đến khi chế-tác được thuyền bè, người ta có thể di-chuyển nhanh hơn và xa hơn đường bộ. Lúc đó, những kiến-thức nông-nghiệp cũng như các hiểu biết khác của loài người được truyền bá ra khắp mọi nơi trên trái đất, không còn bị ngăn chặn bởi địa-thế hiểm-trở trên đất liền.

Sự giao-tiếp Việt - Mỹ nếu có, hẳn nhiên còn ghi lại những dấu vết quan-trọng nhất qua các hoạt-động về nông-nghiệp và hàng-hải ở hai nơi. Đó là đường hướng nhắm tới mà tập sơ-cứu này cố-gắng đào sâu, tìm kiếm nhưng vì chúng tôi không nhiều kiến-thức chuyên-môn về nông-nghiệp, không thể đi xa hơn được. Bài viết đành xin tạm ngừng ở đây vậy.

Vũ Hữu San

Free Web Hosting