Tham luận Văn hoá Nước

Tham luận Văn hoá Nước

 

Vũ Hữu San

 

Lý do chọn đề tài Nước

            "Nước là nguồn sống và môi sinh". Lẽ sinh tử, nguồn gốc sinh ra và chết đi muôn loài là ở Nước. Chuyên gia Môi Trường Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa và chúng tôi xin trình bày những vấn đề mới còn tồn tại về "Văn Hoá Nước" chưa từng được nghiên cứu kỹ trước đây, đồng thời đề nghị cách giải quyết, kèm theo đôi ba lời cảnh báo nguy cơ.

            "Văn hoá Nước" rõ ràng là một đề tài thuần tuý văn hoá. Cuốn sách xuất hiện hôm nay có tựa đề "Văn-Hoá Nước". Rồi mai đây khi phổ-biến, các Quản-Thủ Thư-Viện sẽ cho danh-mục sắp xếp chúng vào vào thư khố "Văn Hoá", không thể nào đưa chúng đến khu "Chính-Trị-Học'' được.

Chúng ta đã mất quê hương gần bốn chục năm, rất ít người Việt Nam tị nạn hiểu ra rằng "Văn-hoá Nước" của Việt-Nam liên-hệ nhiều đến đường hướng đấu tranh chung của hải ngoại.

Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa, trước đây đã nói: Trước khi mọi người đi quá xa nhà lạc chợ (trong đấu tranh diệt Cộng), Tôi mong là chúng ta sẽ bung ra khỏi vòng quan tâm của một thiểu số để đa số sẽ thấy ra vấn đề.

Vấn đề thực sự ra rất lớn, cũng lớn như chủ đề SINH LỘ VIỆT NAM: NƯỚC VÀ BIỂN đưa ra hôm nay. .

Khi gốc cội của người Việt Nam chưa rõ và nguyên uỷ của thuyết lý đấu tranh "chống Tàu diệt Việt Cộng" chưa vững chắc thì sinh lộ chưa được vẽ ra. Chúng ta rất khó lòng đi đến kết quả.

"Văn Hoá Nước", qua nghiên cứu, cho ta thấy bản lai diện mục, tức mặt thật xưa nay sẵn có của mỗi người chúng ta. Dân Việt-Nam vốn là chủng bản-địa Đông Nam Á, khác Tàu du-mục từ Trung Á xa lạ đến xâm lăng nên dĩ nhiên chúng ta "Chống Tàu". Căn bản của dân Việt qua sáu bảy chục ngàn năm nơi Biển Đông "Tự do như Nước", tất nhiên việc "diệt độc tài Việt Cộng" hẳn phải sẵn trong máu và trong trái tim chúng ta, không gì khác được.

            Với Chủ đề: SINH LỘ VIỆT NAM: NƯỚC VÀ BIỂN, Ông Trần Văn Minh, Trưởng Ban tổ chức - Thay mặt Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng, đã viết rằng: "Trong khi đất nước Việt Nam ngày một rơi sâu hơn vào vòng nô lệ Tàu cộng với sự đồng lõa của đảng CSVN. Đây là một thực tế cần phải đào sâu và khai triển trên mọi mặt để mọi người dân ý thức về sự nghiêm trọng cũng như cấp bách của chuyện mất nước. Theo đó, một khía cạnh quan trọng liên quan đến sự sống còn của Việt Nam là nước và biển. Nói đến nước thì phải nói về nguồn sống ngàn đời của dân tộc là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long do hai con sống lớn bắt nguồn từ bên Tàu tạo nên. Còn Biển Đông ngày nay là cửa ngõ mặt tiền của Việt Nam hướng ra thế giới và nguồn hải sản, tài nguyên dầu khí cho công cuộc phát triển thành một quốc gia tiên tiến. Giả sử nguồn nước của Việt Nam bị Trung cộng ngăn chặn và Biển Đông bị bao vây thì Việt Nam sẽ ra sao? Đây là một giả định ngày càng trở nên hiện thực..."

 

Văn Hoá, Yếu tố Chiếm Vị trí Trung tâm của Phát triển cũng như Tranh đấu

      Qua gần nửa thế-kỷ ra đời và hoạt-động, vào năm 1986 UNESCO nhìn ra các mâu thuẫn xã hội càng thêm căng thẳng. Các học giả của tổ chức này nghiên cứu và kết luận rằng: Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình hình trên là trong các chương trình phát triển quốc gia cũng như quốc tế của mấy thập kỷ vừa qua, người ta chỉ chú trọng đến các mục tiêu phát triển kinh tế tách rời khỏi môi trường văn hóa, trong khi chính VĂN HÓA mới là yếu tố chiếm vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết của phát triển. Các kế hoạch phát triển không chú ý đến yếu tố văn hóa sớm muộn đều dẫn đến thất bại. Đại hội đồng Liên hiệp quốc họp tháng 12-1986 đã quyết định phát động Thập kỷ phát triển văn hóa thế giới 1988 - 1997.

      Hiện nay, mâu thuẫn căng thẳng nhất trên thế giới là do Trung-Cộng gây nên tại Biển Đông. Mục tiêu lớn nhất của chúng trong thế kỷ 21 là thôn tính Biển Đông và đối thủ số một nhất định phải là Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà các Từ điển Anh-Việt hay Việt-Anh thông dụng nhất đều dịch nghĩa của từ Rival = Đối thủ, địch thủ, người kình địch, người cạnh tranh. Từ “cạnh tranh” (rivalry) trong tiếng Anh bắt nguồn từ từ “rivalis” của tiếng Latin, nghĩa là “người dùng chung một nguồn nước với người khác”.

      Từ điển Merriam-Webster's Student Dictionary ghi về chữ Rival, tức đối thủ, địch thủ là có thể sẽ đánh nhau, như sau: The English word rival can be traced to the Latin word rivus, meaning "a stream." From rivus came the Latin rivalis, which meant "one who uses the same stream as another." Those who must share a stream may argue about who has the right to use the water. Such disputes are common when two people want the same thing. The Latin word rivalis in time came to be used for other people who are also likely to fight with each other

      Biển Đông là vùng nước rộng lớn, không gian sinh tồn của cả Việt lẫn Hoa, có thể dẫn tới nhiều cuộc xung đột và bạo lực chiến tranh sắp tới.

 

Tiến trình Nghiên cứu

      - Thoạt đầu về Văn Hoá Nước, chúng ta nói đến địa lý thiên nhiên Biển Đông, tức là môi trường sống của người Việt. Dân ta từng sinh-hoạt và phát-triển tại chỗ sau một thời gian dài tới 55,000 năm (theo Spencer Wells) hay lâu hơn nữa là 75,000 năm (theo Oppenheimer). Xin nói qua là nước biển Đông chỉ mới dần dần dâng lên sau thời kỳ băng giá cuối cùng (bắt đầu 18.000 năm trước), một khoảng thời gian tương đối ngắn ngủi so với lịch sử loài người.

      - Chuyện sinh-hoạt mọi loài đi theo tự nhiên. Mọi hoạt động của con người khởi đầu đều bắt chước thiên nhiên. Khi người ta sinh hoạt nhiều và lâu dài với nước thì người ta bắt chước nước. Kiểu bắt chước này, Lão Tử gọi là Đạo. Đạo trong sự trình bày của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: “Người ta bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên”.

      - Sau đó tới địa chính trị hay chiến lược.

      Môi trường địa lý của Việt nam và toàn thể vùng Đông-Nam Á lúc xưa làm cho chúng ta có một nền văn hoá của Nước rõ rệt hơn các chủng tộc khác.

      - Cuối cùng nhà nghiên cứu "Văn Hoá Nước" sẽ phải tìm ra những hệ quả đi theo sau những nền văn hóa và lịch sử trong quá khứ. Quan điểm quay sang việc tranh-đấu Diệt Việt Cộng và "Chống Tàu" là chủng tộc hoàn toàn khác biệt với chúng ta trên phương diện Văn Hoá Nước.

 

Tổng quan:

            Cuốn sách "Văn Hoá Nước" phân tích, duyệt qua các công trình nghiên cứu đã có của các tác giả trong nước và ngoài nước liên quan mật thiết đến đề tài Văn Hoá Nước; nêu những vấn đề còn tồn tại mà đề-tài Nước cần tập trung nghiên cứu, giải quyết.

            Cuốn sách nặng về tính sưu tập nên Tác giả chỉ xin trình bày gọn ghẽ, bàn luận và đánh giá nhẹ nhàng các kết quả đã có trước đây. Tuy vậy, sự đối chiếu khá cẩn thận về các tác giả khác thông qua nhiều tài liệu tham khảo. Ý của người viết muốn tạo một không-gian rộng mở cho độc giả và cho những quan-điểm khác nhau. Nhận xét đúng hay sai lúc này có thể chỉ được minh chứng qua ánh-sáng khoa-học mai sau.

   Một cuốn sách dù là sơ thảo cũng đã dày tới 600 trang, khó nói gọn trong một vài trang tham luận. Sau đây là gạn lọc ra hai trong số những điểm chính của cuốn sách Văn Hoá Nước[1]

 

Sự Cần-thiết phải Phục-hoạt Văn-hoá gốc

            Qua suốt dòng lịch sử, với hơn một ngàn năm đô hộ của nước Tàu khổng-lồ phương Bắc; nếu dân-tộc Việt không có một dân tộc tính đặc-biệt thì chắc chắn rằng đến ngày hôm nay trên bản đồ thế giới, địa danh Việt-Nam đã bị xoá bỏ và nước Việt-Nam đã trở thành một truyền thuyết xa vời đối với dòng lịch sử của loài người.

            Theo Ông Nguyễn-Việt-An thì làm sống lại nền văn-hoá Việt không phải là việc xa xỉ mà là nhiệm-vụ thiết-yếu nếu không chu-toàn được thì dân ta sẽ bị tiêu-trầm, chứ đừng vội nói đến sứ-mạng đóng góp vào văn-hoá nhân-loại.

            Nếu như văn-hoá Cộng-sản hay Xã-hội chủ-nghĩa mai mốt đây tiêu-trầm trên đất Việt-Nam thì người Việt mình lại đi tìm văn-hoá Tây, Mỹ, Tàu, hay Nga ... (những thứ này đã thử hết rồi) để thế vô chăng, hay lại phải phục-hoạt nền văn-hoá (gốc) của mình.

            Cũng như Học-giả Trần-Trọng-Kim, chúng tôi ý-thức rằng việc tìm hiểu triết-lý gốc rễ dân-tộc cũng quan-trọng như việc tìm hiểu Việt-sử nên xin ghi lại đây lời cụ Trần đã viết trong phần Tựa của cuốn "Việt-Nam Sử-Lược," quyển 1 để thay lời kết-luận như sau:

            Chủ đích (của việc ghi chép Sử hay tìm hiểu Triết-lý) là để làm một cái gương chung-cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đây mà biết cái sinh-hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực như thế nào, mới chiếm giữ được cái địa-vị ở dưới bóng mặt trời này.

 

Cần Xây dựng một Hệ thống Lý thuyết có Quy củ

            Đời sống không thể thiếu nước được. Nhưng nước mang thuyền đi thì nước có thể làm đắm thuyền. Nước là môi trường sống nhưng khi môi trường xấu thì con người chết. Quan trọng không kém, ta phải hiểu thấu triệt nguyên lý: con người không thể xây lâu đài trên nước.

            Văn Hoa Nước là một khái niệm trừu tượng khái quát quá. Tuy có thể nói nó lờ mờ, nhưng là một thực tế đã hiện hữu trong bản chất chúng ta từ khi khai thiên lập địa, tiến hoá mà thành.

            Sống sâu đậm lâu dài trong nước, chúng ta gặp một quá trình yếu kém về chữ viết. "Chữ viết cho phép trừu tượng hoá, mở đầu cho khoa học. Không có chữ viết không có khoa học, đó là một sự thật không ai chối cãi. Nhất là toán học, một dụng cụ chủ yếu của khoa học. Ta có thể làm vài tính thường trong óc. Nhưng tính phức tạp thì không được, phải viết trên giấy. Triết lý cũng vậy (chưa nói đến triết học). Triết lý cần chữ viết để trừu tượng hoá quan niệm thông thường, để dựng một hệ thống có quy củ, để xem xét, phê bình, sửa đổi."

            Nhà sử học lão thành Lê Thành Khôi nói thật chí lý về chữ viết như trên. Người Việt chúng ta còn nhiều việc phải làm hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Nhu cầu được mở ra quá bao la, ngoài khả-năng cá nhân nhỏ bé như chúng tôi.

            Ông Lê cũng đã có viết: Nói về nước Việt ta thì phải công nhận ta không có óc triết học (người Nhật Bản cũng thế). Ngoại trừ mấy thiền sư thời Lý-Trần, ta không có một nhà triết học nào cả. Lê Quý Ðôn mà nhiều người gọi là một nhà triết học, sự thật chỉ là một người sưu tập.

            Mong rằng cuốn sách sưu tập "Văn Hoá Nước" này là một tiếng chuông cảnh báo trên đường xây dựng đất nước tiến bộ và... vững để chống ngoại xâm.

Vũ Hữu San

vuhuusan@yahoo.com, Tháng 1, 2013



[1] Nội dung cuốn sách "Văn Hoá Nước" được đưa lên mạng cho những ai không mua cuốn sách, có thể tạm thời tham khảo: www. vanhoanuoc.tk

Free Web Hosting