DolpSwimAnima.gif (4112 bytes)Nước và Triết-lý Cổ-truyền Dân-tộc

Vũ Hữu San

Hãnh diện làm người Việt Nam

Qua chứng-liệu văn-hoá lịch-sử, chúng ta đương-nhiên có thể tự-hào là người Việt Nam. Nhiều tài liệu sách vở đã đề-cập tới đủ mọi khiá cạnh về những cái hay, cái đẹp Việt-Nam. Triết-lý sống cùng văn-hoá gốc của dân-ta cũng đã được bàn đến rất nhiều.

Giáo-sư Cao-Thế-Dung đã viết rằng: Ca tụng về đức-tính can-đảm, kiên-cường và hùng anh lẫm liệt của Dân-tộc Việt-Nam, chúng tôi nghĩ cũng tựa như ca-tụng nhà giầu lắm của." Nhiều người ngoại-quốc đã lên tiếng vinh-danh Việt-Nam. Paul Doumer, viên Toàn-quyền Đông Dương, tay thực-dân kiêu-sa và kỳ-thị "khét tiếng", ấy thế mà cũng phải lên tiếng ca tụng dân Việt là giống dân"chẳng những can đảm đương đầu với mọi hiểm nguy mà ngay cả trước nỗi chết." Viên quan cai-trị thực-dân E. Luro với nhiều kinh-nghiệm về đời sống Việt-Nam cũng đã không tiếc lời ca ngợi dân tộc Việt vốn là dân coi cái chết nhẹ như lông hồng "khi lên đoạn đầu đài mà vẫn thản-nhiên miệng phì phèo điếu thuốc lá." (1)

Tuy vậy, cùng trong tinh-thần mời gọi mọi người lưu-tâm tìm về nguồn gốc văn-hoá của dân-tộc, chúng tôi đã nhìn ra một vấn-đề quan-trọng muốn trình-bày ở đây. Đó 1à: triết-lý "Nước" cổ-truyền của dân-tộc. Triết-lý này rất cổ, rất sâu sắc mà không mấy khi được người Việt-Nam chúng ta ngày nay nhắc nhở tới.

Bề dày thời-gian của gốc rễ sinh-hoạt

Loài người vượt trội lên khỏi mọi sinh-vật nhờ khối óc đặc-biêt biết suy-luận. Chỉ nhân-loại mới có văn-hoá, triết-lý sinh-hoạt. Tuỳ theo từng môi-trường địa-phương, mỗi dân-tộc có một nền văn-hoá, một triết-lý sinh-hoạt riêng-biệt.

Trong cuốn "Nguồn gốc Văn Học Việt Nam", Học-giả Lê-Văn-Siêu nhìn nhận rằng tinh-thần dân-tộc bắt rễ nơi khí-hậu, địa-dư, lịch-sử của dân-tộc. Ông viết một cách thật là triết lý như sau:

Lịch-sử thì đã đành có trồi sụt theo những hằng-tính quy-định bởi ý-thức và tiềm-thức của từng cá-nhân và của toàn-thể dân-tộc. Song khí-hậu và địa-dư thì đã có một phạm-trù cho sự vần xoay của trái đất trong hệ thái-dương, dẫu bao nhiêu ngàn năm cũng chỉ đổi ở chi-tiết nhỏ mà không khác hẳn được ở đại-thể ... Khi đã có một dân-tộc tồn-tại trên một vị-trí địa-dư, tất phải có có một nền văn-hoá kết-tinh ở tinh-thần riêng-biệt của dân-tộc ấy. (2)

Cũng hiểu như vậy thì triết-lý sinh-họat, vốn là phần động-cơ của văn-hoá dân-tộc đương-nhiên phải xảy ra từ rất lâu đời, vượt qua cái mốc lịch-sử Khổng-Mạnh, Phật, Lão 2,500 năm. Với khí-hậu và địa-dư của Việt-Nam, thời-điểm huyền-sử Hùng-Vương hay Hoàng-Đế quãng 5,000 năm cũng còn hạn hẹp. Khoa-học đã chứng-minh rằng dân ta xuất-hiện trước đó rất lâu.

Chúng ta biết rằng dân-tộc Việt-Nam ta có gốc rễ từ văn-minh Hoà-Bình 12,000 năm trước. Theo khám-phá mới về khảo-cổ trong thập-niên 1960s-1970s, dân-cư vùng Đông và Đông-Nam-Á có lẽ đã tương-đối đông đảo ngay từ cổ-thời, đủ đông để tạo nên những đợt di-dân theo hướng Nam-Bắc 40,000 năm trước, rồi sau đó lại di-chuyển theo chiều Bắc-Nam cách đây 5,000 năm. (3)

Ngoài ra, các nhà khảo-cổ cũng đưa ra nhiều chứng-cớ của môt thứ "văn-minh nước" sơ-đẳng nào đó của Việt-tộc cũng như của các dân-cư khác vùng Biển Đông đã khởi-sự từ 60,000 năm trước. (4) Vào thời-điểm này, con người đã tiến-bộ đủ để thực-hiện được những chuyến di-dân đầu-tiên vượt biển từ Đông-Nam-Á sang Úc-Châu bằng bè tre. Theo Milford H. Wolpoff và các cộng-sự-viên của Ông thì lịch-sử thuyền-nhân di-cư bắt đầu từ đó.

Địa-hình hồi sơ-thủy của dân ta

Theo ý-kiến Ông Lê-Văn-Siêu thì một lối hiểu biết, một lối suy-nghĩ, một lối tư-tưởng, và một lối nói riêng biệt của một dân-tộc đã thể-hiện khi dân đó có mặt giữa khoảng không-gian.

Cũng trong sách "Nguồn gốc Văn Học Việt Nam", Học-giả Lê-Văn-Siêu diễn-tả môi-trường sinh sống của dân ta một cách tổng-quát như sau: Trên giải đất chúng ta đương sống, hồi sơ thủy với địa-hình khác ngày nay. Vì các sông Hồng-Hà, Cửu-Long... chưa bồi đấp ra xa như hiện-thời. Ngoài vùng ngập nước bên trong, khu ven biển nước ta là nơi cư-trú của các bộ-lạc hải--du, nếp sống sinh-họat theo gió mùa, (5) phiêu bạt hải-hành khắp nơi...

Trước nay, những nhà văn-hoá, triết-gia thường hay căn-cứ vào tài-liệu sử sách để công việc nghiên-cứu được chính xác. Gần đây với các tiến-bộ vượt bực về khảo-cổ, địa-chất và những ngành khoa-học liên-hệ khác, nhiều mốc thời-gian về sinh-hoạt của loài người và đặc-biệt là của dân Đông-Nam-Á được đưa lùi lại nhiều ngàn năm trở về quá-khứ.

Về khiá-cạnh triết-lý, cỗi rễ sinh-hoạt của tiền-nhân Việt-Nam cũng nằm trong những trường-hợp tương-tự như vậy. Nguồn-gốc Văn-minh "Nước" với bề dày của thời gian trong khoảng từ 12,000 năm đến 60,000 năm rất cần được lưu-tâm đến.

Triết-lý qua tục-ngữ ca-dao

Trong lịch-sử phát-triển, trước khi có một nền văn-hoá kết-tinh Trung-Hoa, „n-Độ, Tây-phương; dân-tộc Việt-Nam đã có một hệ-thống ý-thức, kết-tinh của tâm trí và nếp sống từ ngàn xưa, từ việc thờ kính trời đất, thần-linh sông núi, quốc-tổ, anh-hùng, liệt-nữ, tổ-tiên, ông bà, cha mẹ, sùng thượng các bậc có tài-đức, trưởng lão, đề cao trặt-tự xã-hội, quý-trọng giá-trị hiện-hữu nhân-sinh và quyền-lợi cá-nhân nhưng vẫn củng-cố và phát-triển xã-hội trên nền-tảng nhân-bản, nhân-đạo, nhân-ái, hoà-bình.

Tất cả những tư-tưởng ấy đều đã ẩn chứa tản-mát trong tác-phẩm văn-chương dân-gian, đặc-biệt là truyện cổ gồm thần-thoại và cổ-tích các loại đúng như Paul Ricoeur đã từng phát-biểu "tất cả đều được nói trong thần-thoại cả rồi, chỉ còn phải tìm hiểu mà thôi".(6)

Theo giáo-sư Phạm Việt Tuyền, chúng ta có thể tìm thấy phần cốt lõi của văn-hoá Việt qua tục-ngữ ca-dao.

Vì tin- tưởng rằng lý-tưởng "Trai hùng Gái đảm" Việt-Nam là một thứ triết-lý nhân-bản cao đẹp, Giáo-sư cầu chúc cho giới trẻ như sau:

Tôi thành thực cầu chúc tất cả các bạn biết sống triết lý Nhân Bản Truyền Thống của dân tộc Việt Nam đồng thời vươn lên, tiến tới lý tưởng nhân bản cao đẹp nhất của nhân loại ngày hôm nay: Cố gắng sống đời trai hùng gái đảm để vươn lên, tiến tới lý tưởng Tiên, Phật, Thần, Thánh như các vĩ nhân thế giới ngày nay. (7)

Quan-niệm mới về văn-minh nước, văn-minh gỗ Đông-Nam-Á

Bàn về những giai-đoạn hình thành nền văn-minh nhân-loại, những nhà nghiên-cứu hàng đầu về Đông-Nam-Á như Solheim, Coedès, Bernard Philippe Groslier... đồng-ý trên một sự thật hiển-nhiên là loài người đã cư-trú trước hết ngoài bờ biển rồi sau đó một thời-gian dài mới di-chuyển vào nội-địa.

Coedès và Groslier cho rằng khi chia dân-cư ra làm hai loại thì sinh-hoạt dân ngoài duyên-hải lâu đời hơn các sinh-hoạt của dân trong nội-địa. Có một số khoa-học-gia cho rằng khi sinh sống trên một vùng đồng-bằng nửa cạn nửa nước như ở Đông-Nam-Á lúc xưa, con người phải phát-triển hàng-hải. Ngành chế-tạo thuyền bè thành-hình với nhiều dụng-cụ mớI và nguyên-liệu chính là gỗ và tre nứa.

Trước khi bị nước dâng lên tràn ngập, khu-vưc đồng-bằng Sunda ngoài Biển Đông, phần nước nhiều hơn phần cạn, đúng là môi-truờng tiêu-biểu cho thuyết "văn-minh gỗ" này. Solheim là người muốn đề-nghị một "Thời-đại Gỗ" chen kẽ vào bảng tiến-trình văn-minh của nhân-loại. (8)

Gốc rễ Biển Đông của Người Việt theo thuyết Meacham

Tuy có nhiều học-giả đã bàn đến sự liên-hệ giữa nền văn-minh Hoà-Bình và sự lên xuống của mực nước Biển Đông, nhưng người trực-tiếp tìm hiểu gốc rễ của dân Việt liên-hệ ra sao đối vớI Biển Đông thì William Meacham có lẽ là người đầu tiên.

Dựa vào các khám-phá mới đây của những khoa khảo-cổ, địa-chất, hải-dương; William Meacham đưa ra thuyết này năm 1983. Ông cho rằng giống Bách-Viêt thiện-nghệ hàng-hải có gốc rễ từ ngoài Biển Đông đi vào khi nước dâng cao lên. Khoảng 14,000 năm trước đây, bè tre đã xuất-hiện. Nhu-cầu chuyển-vận trên biển đã thúc-đẩy người Việt phát-minh ra những cánh buồm, những bánh lái, những loại thuyền nhiều thân và những cơ-phận điều-khiển khác để việc hải-hành được an-toàn hơn. (9)

Cho dù huyền-thoại "Lạc-Long-Quân từ quê mẹ ngoài Biển đi vào cứu dân" và "Thủy-tinh dâng nước lên đánh Sơn-tinh"(10) đã được diễn-dịch là mới xảy ra cách đây 3, hay 4,000 năm, chúng tôi không loại bỏ giả-thuyết rằng các Truyện cổ này còn cổ hơn nhiều. Những làn sóng di dân mấy chục ngàn năm trước của tiền-nhân từ Biển Đông đi vào đất liền, tranh đãu với môi-sinh mới cũng có thể mang hình-ảnh tương-tự.

Triết-lý ngoại-lai, lớp váng mỏng manh

Không nên quá vội-vàng nhận-xét sai lạc về những lớp sơn văn-hoá ngoại-lai mà chúng ta thoáng thấy trong sinh-họat của những đám người thiểu-số, lợi-dụng thời-cơ để thủ-lợi. Thời trước đây mấy ông nhà Nho nói cái gì cũng Tàu, cũng Khổng Mạnh. Rồi mấy ông mê Tây-học thấy cái gì cũng Hi, La, Descartes. Gần dây nữa, mấy ông "cán" cái gì cũng hồng, cũng cộng-sản.

Ôn lại các chiến-tích lẫy lừng trong những lần chống giặc ngoại-xâm phương Bắc, ta ghi ơn các vị Ngô-Quyền, Đinh-Bộ-Lĩnh, Lê-Hoàn, Lý-Công-Uẩn, Lý-Thường-Kiệt, Lê-Lợi, Nguyễn-Huệ. Họ đều là các vị anh-hùng áo vải xuất-thân, cho đến Trần-Hưng-Đạo cũng chưa có sử-gia nào từng liệt Ngài vào hàng nho-sĩ "cửa Khổng sân Trình". Danh-sách Nho-gia cũng không vui vẻ chấp-nhận Mạc-Đăng-Dung, hay cả Nguyễn-Ánh vào làm đệ-tử Khổng-Mạnh... Anh-hùng nước ta như vậy có lẽ mang nặng tinh-thần dân-tộc, tôn-trọng phong-tục làng nước, họ gần với Lạc-Việt, Hùng-Vương, thấm-nhuần văn-hoá Hoà-Bình/ Đông-Sơn và rất xa với Tam-Hoàng Ngũ-Đế, mù mịt Khổng-Mạnh và nhất là phản-kháng mãnh-liệt sách-lược "bình thiên-hạ" của người Tàu.

Các Ông, như Tổ-tiên chúng ta về trước, sinh sống trên sông nước, ăn trầu nhuộm răng đen, giữ gìn tục-lệ. Thời xưa, hầu hết mình các vị được vẽ chàm (11), và các "phu-nhân" thì mặc váy! Phải chăng, Việt-Nam sinh-tồn vì cái gốc rễ đã ăn sâu, bám chặt ? (12)

Lâu hay mau, các lớp váng văn hoá "mất gốc" nào rồi cũng tan rã. Chúng mỏng-mảnh hời-hợt quá. Một vài trăm năm hay một vài ngàn năm đâu có đáng kể gì vớI hàng chục ngàn năm gốc rễ. Thời-gian luôn luôn có đủ mãnh-lực chôn vùi ảnh-hưởng của chúng và trước sau gì, dân-tộc ta cũng trở về lại gốc nguồn của mình.

Những kẻ đi lạc trên đường trở về nguồn gốc

Một dặc-tính quý-báu của dân-tộc ta là biết lấy nền văn-hoá của các dân-tộc khác bồi đắp thêm cho nền văn-hoá dân-tộc Việt sẵn có, rồi gạn lọc những tinh hoa để từ đó làm cho nền văn-hoá dân-tộc thêm thăng hoa...

Tuy nhận-xét này thật là chính-xác, nhưng chúng ta không thể suy-diễn quá xa vời. Chẳng hạn như chúng ta không thể lên tiếng ... kêu gọi các bậc trưởng-thượng, trí-giả, và các vị cha anh cần phải hướng-dẫn giới trẻ Việt nam hấp-thụ và thực-thi cái tinh-tuý... và tinh-hoa của "cửa Khổng sân Trình" để từ đó mà hy-vọng rằng thế-hệ trẻ Việt- Nam sẽ luôn hướng về nguồn cội. Nếu có vị "thức-giả" nào suy-diễn cách này thì xin nghĩ lại cho đúng!

Cho dù ta có thể dùng lời của Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) để nhắn nhủ đồng-bào: "Khổng Mạnh cương trường tu khắc cốt, Tây Âu khoa học yếu minh tâm"(13) để cổ-võ đồng-bào, nhưng chúng ta cũng cần phát-biểu cho đúng chỗ.

Ý-tưởng mong đưa dân nước tiến-bộ như vậy có lẽ hợp-lý trong một giai-đaạn nào đó, nhưng khi xác-định rằng con đường Kjổng Mạnh, Tây Âu là cách-thức duy-nhất để trở về nguồn thì lý-lẽ hoàn toàn sai lầm và ... nguy-hiểm cho vận-mạng dân-tộc.

Nếu suy-luận chính-xác, chúng ta thấy rằng nguồn cội của ta đâu có Tàu, có Tây. Mấy chục ngàn năm trước, khi dân ta đã tiến tới văn-minh Hoà-Bình và ngang dọc trên biển giữa "trời nước" thì các giống dân đó còn sống trong sự run sợ trước thần-quyền, khiếp-nhươc trước "oai trời đất", núp kín trong hầm trong hang.

Việt-tộc vốn có cái triết-lý "Nước" riêng của ta. Chưa có dân-tộc nào tranh-đoạt với ta vì có nhận vơ triết-lý của ta, họ cũng không dùng đươc. Cũng như vậy, chúng ta chẳng cần tranh đoạt chủ-quyền triết-lý với bất cứ một dân-tộc nào khác hay hí-hửng đi vuốt ve cái đuôi văn-hoá "Tàu, Tây" làm chi cho mệt công vô-ích. Nước non còn đây, khí-hâu, địa-dư và cả lịch-sử vẫn còn đây. Và ... triết-lý gốc vẫn tồn-tại trong dòng sinh-hoạt của dân ta.

Sự tiến-bộ của Văn-hoá Lạc-Việt

Khi Lạc-Việt đi vào thời-đại Phùng-Nguyên/Đông-Sơn, tàu thuyền của chúng ta hải-hành khắp mặt đại-dương, văn-minh Bách-Việt soi sáng toàn cõi Đông-Nam-Á, Khổng-Tử vẫn còn chưa đẻ mà ...

Phương-cách "hùng-biện" dùng tinh-hoa của "cửa Khổng sân Trình" để đưa thế-hệ trẻ Việt-Nam luôn luôn hướng về nguồn cội, cũng giống như trường-hợp các vị "tự cho rằng mình thông-thái" Phật-học, Lão-học, Thiên-chúa-giáo, Kác Mác, Lê Nin, Mao-Trạch-Đông.. Họ đã từng lên mặt nhiều lần "hùng-biện" cho những triết-lý ngoại-lai, hoàn-toàn riêng biệt của họ. Lời nói tương-tư như "chỉ có đạo này của Tàu, thuyết ấy của Tây, triết đó của „n, đường nọ của Nga ... mới đúng là Việt-Nam", mới là nguồn gốc tiến-bộ... Vì nghiã đồng-bào, tình dân-tộc, tôn-trọng tổ-tiên. chúng ta cần phải suy-ngẫm cho đúng !

Triết-lý Việt-tộc độc-đáo

Triết-lý liên-hệ với sinh-hoạt. Trước khi biến-đổi địa-hình quê-hương được như hiện nay, vì sinh-kế dân Việt phải ngụp lặn trong sông biển. Họ bơi hay lội khi di-chuyển, họ sinh-hoạt thường-xuyên trên nhà sàn hay ghe thuyền; họ làm vườn hay cày ruộng cạnh bờ nước... Vì trải qua mấy chục ngàn năm, cuộc sống cứ diễn ra như vậy, nên tất-nhiên một thứ "triết-lý Nước" nào đó ắt phải thành-hình, rồi dần dần ăn sâu vào nội-tâm dân Việt-Nam ta.

Muốn hiểu văn-hoá Việt, mọi người cần tìm hiểu cách-thức người Việt lúc xưa sống ra sao với biển và với nước.

Plante đã nói rằng: "Biển thuộc về mọi người". Nhưng vẫn có những giống dân rất khiếp sợ biển; nếu có cho họ biển, họ cũng không nhận. Homer biết chuyện ấy nên viết: "Không gì đáng khiếp bằng Biển trị người".

Biển tàn-nhẫn, vô-tình, đáng khiếp sợ với hầu hết nhân-loại, nhưng người Việt lại không sợ biển. Nhiều ngàn năm trước, họ đã chinh-phục các mặt đại-dương. (14) Triết-lý gốc rễ Việt-Nam ắt phải khác biệt hẳn với triết-lý người dân lục-địa.

Biển có nhiều đăc-điểm ảnh-hưởng sâu đậm đến những dân-tộc sinh sống cạnh nó. Chẳng hạn như: Biển chia cắt nhưng Biển cũng nối lại những miền mà nó chia cắt (Pope), Biển khi êm, khi động: Biển nuôi người, Biển cũng giết người...

Lại xem tính-chất của nước như: Nước đầy vơi và không hết bao giờ, khi yên phẳng lặng, khi động cuồng lọan, có lúc đang lặng lại hoá ra cuồng, chỗ nào Nước cũng tới được, Nước cuốn trôi mọi rác rưởi, nước cũng sửa sạch mọi dơ bẩn ...

Người Việt chúng ta có nhiều dáng vẻ thật gần Biển và gần nước. Tương-tự như Biển hay thay đổi, chúng ta vừa hiền vừa cam-đảm, cả chia rẽ lẫn đoàn-kết, mới kỷ-luật đó mà nay muốn nổi loạn, dũng-cảm trong chiến-tranh nhưng ít thù-hận trong hoà-bình...

Có quá nhiều điều đáng nói ra mà chúng tôi không thể kể hết ra được ở đây. Tương-tư như Nước, không có nó thì không có sinh-vật nào tồn tại. Tổng-kết sau cùng, Triết-lý Nước cho ta nhiều ảnh-hưởng tốt và ít ảnh-hưởng xấu.

Triết-gia khỏi đặt thêm thuyết mới

Trong tác-phẩm "Cơ cấu Việt nho", Linh-mục giáo-sư Kim-Định cũng có nhận xét: "tất cả nền minh-triết, cũng như túi khôn loài người đã được nói ra hết rồi nhưng còn nằm ẩn-tàng trong các truyện truyền-kỳ, huyền-thọai ... Triết-gia khỏi đặt thêm thuyết mới mà chỉ cần phát-giác ý-nghĩa của chúng." Chúng tôi xin phép được phát-biểu rộng rãi hơn chút nữa : "Triết-lý Việt-Nam đã có sẵn. Triết-gia khỏi cần đặt thêm thuyết mới mà chỉ cần phát-giác ý-nghiã của chúng."

Tuy chúng tôi chưa từng là triết-gia nhưng thầm nghĩ rằng nếu triết-gia Viêt-Nam không phát-giác đúng ý-nghiã nguồn gốc dân-tộc thì thật là tai-hại. Nêu không thận-trọng, cứ vơ quàng vơ xiên các triết-lý ngoại-lai vào làm nguồn gốc, triết-gia chắc chắn có tội nặng với tiền-nhân.

Triết-lý siêu-hình trong thế-giới Nước

Triết-lý siêu-hình của con người đi từ môi-trường sinh-hoạt. Trong sự suy-tưởng, dân vùng Đông-Nam-Á nhìn sự sống cũng như sự chết qua hình-ảnh luân-chuyển của dòng nước hay qua ý niệm về sự mênh mông của trời cao và biển rộng.

Theo Anthony Christie thì dân khu-vực Biển Đông suy-tưởng rằng "Thế-giới bên kia trần-thế được thể-hiện qua những dòng nước chảy hay nằm sâu ở phía bên kia bờ biển cả. Ý-niệm mênh mông về bầu trời cũng trải dài như mặt đại-dương. Không còn ai nghi ngờ rằng con thuyền chính là phương-tiện đưa hồn người liên-lạc với thế-giới bên kia." (15)

Văn-hoá Việt-Nam đậm nét thảo mộc, nặng màu hàng-hải, không thích phí-phạm nhân-lực cũng như tránh việc làm khô cạn năng-lượng thiên-nhiên. Những nét đặc-thù văn-hoá này đứng một mình một phương riêng rẽ, không những khác với nền văn-hoá căn-bản "đất đai" của phương Tây mà còn hoàn toàn dị-biệt với nền văn-hoá "đô-hội" của phương Đông.

Kiến-trúc Việt-Nam thường nhẹ nhàng. Có rất ít người Việt-Nam cảm thấy giận hay buồn vì quốc-gia họ không có những kiến-trúc đồ-sộ như Đế-Thiên Đế-Thích của Cambodia hay Vạn-Lý Trường-Thành của Trung-Hoa. (16)

Không phải chỉ người dân thường mới có quan-niệm xây cất nhẹ nhàng mà cả những bậc vua chúa đầy quyền-uy cũng không thích kiến-trúc nặng nề đồ-xộ. Sử nước ta ghi rằng Bình-Định-Vương Lê-Lợi không tán-thành những việc xây cất tổn hao nhân-lực và tài-sản như vậy.

Triết-lý và Bản-năng của loại dân nước, dân thuyền

Chúng ta đồng-ý với học-giả Buckminster Fuller trong câu phát-biểu có tính-chất triết-lý của Ông như sau: những dân-tộc Đông-Nam-Á (trong đó có dân Việt-Nam) khác-biệt với những giống dân khác vì họ được thiên-nhiên ban-phát cho cái bản-năng của loại dân nước, dân thuyền. Họ đã từng nắm được chân-lý về sự kết-hợp nhẹ nhàng trong các kiến-trúc (principle of lightweight structural tensioning) áp-dụng vào đời sống. (17)

Trước khi uy-quyền Thiên-tử tràn tới áp-đặt khắp nơi nền giáo-lý Khổng Mạnh cho mục-đích sau cùng của Trung-Hoa là "bình thiên-hạ", xã-hội ta đã có văn-hoá riêng, rất khai-phóng và tôn-trọng nhân-quyền. Theo với tiêu-chuẩn hiện-thời, nền văn-hoá căn-bản của chúng ta lúc xưa có lẽ đã đạt đến mức-độ hoàn-mỹ mà ít có nơi nào khácc, ngoài Đông-Nam-Á đã thực-hiện-được.

Học-giả E. P. Patanne nhận thấy người Đông-Nam-Á không hiếu-chiến, thường chấp-nhận cho các giống dân khác hội-nhập vào (xã-hội hay) lãnh-thổ của họ và để những người mới đến sống theo cách riêng của họ. (18)

Dân ta không bao giờ có tư-tưởng nhất-định phải "đồng-hoá" các chủng-tộc khác như tư-tưởng ngàn đời "sắt máu" của dân Trung-Hoa. Patanne cũng dồng-ý với Wilhelm G. Solheim về nhiều điều cao đẹp trong nếp sống thực của người Đông-Nam-Á thời cổ. Theo hai Ông, làng mạc (tuy) có sinh-hoạt tự-trị (nhưng vẫn) kèm theo triết-lý dung-dưỡng cho những người bên cạnh cũng được sinh-hoạt theo các nền văn-hoá khác-biệt. (19)

Nhờ triết-lý "Nước", phong-tục, tập-quán được bảo-tồn

Joseph Buttinger, khi phân-tích về tinh-thần tự-chủ của dân ta, đã viết như sau:

"Trước hết, cả khối dân quê có lẽ vào khoảng 90 phần trăm dân-số, đã chấp-nhận rất ít các ảnh-hưởng do biện-pháp áp đặt nhằm đồng-hoá người Việt thành người Tàu. Dân Việt tuy không chối bỏ những cải-tiến về kỹ-thuật nhưng chống đối lại sự áp đặt các phong-tục Trung-Hoa. Lý-do chống sự Hán-hoá, không còn nghi ngờ gì nữa, tiềm-tàng ở trong cái sức mạnh của nền văn-hoá bản-địa. Nền văn-hoá này đã nảy nở rất lâu đời trong quá-khứ, trước khi Tàu đến xâm-lăng. Một điều nữa là sinh-hoạt đời sống người Việt vẫn giống như xưa, không thay đổi. (20)

Paul Mus và Paul Isoart, hai học-giả người Pháp, đã cùng nhận thấy rằng có hai khuynh-hướng sống khác nhau trong thời Bắc-thuộc. Người Việt ở tầng lớp cao, tuy bắt chước nếp sống Trung-Hoa, nhưng cố công khám-phá những ưu-điểm bí-mật trong văn-hoá của kẻ thống-trị. Kết-quả của cả hai nếp sống này đã mang lại sự độc-lập chính-trị sau này. Tầng lớp dân-chúng thấp hơn tuy cùng nhắm đến mục-đích tự-chủ như vậy nhưng lại hành-động theo chiều-hướng ngược lại. Những người dân quê thường không chấp-nhận các sinh-hoạt kiểu Trung-Hoa, vẫn quyết-tâm giữ chặt nếp sống riêng-biệt của ngày xưa, xa lạ với cách sống của người Tàu. (21)

Khi dân Việt vẫn còn tiếp-tục là những người nhà nông sống cạnh bờ nước, những người thuyền chài đánh cá trên sông hồ hay những người hành nghề hàng-hải ngoài biển cả, họ cứ tiếp-tục gìn giữ mọi phong-tục, tập-quán của Tổ-tiên. Với truyền-thống và tinh-thần tự-chủ, dân Việt không chịu làm nô-lệ ngoại-bang, tiếp-tục vùng lên nhiều lần và cuối cùng đã thành-công khi dành lại nền độc-lập vào thế-kỷ thứ mười.

Thêm một điều may mắn nữa cho chúng ta là những kẻ thống-trị, vốn có căn-bản văn-hoá lục-địa khác hẳn, nên thường không thể đi sâu vào đời sống thủy-sinh của dân quê Việt-Nam.

Truyền-thống Thương-mại

"Phi thương bất phú" là truyền-thống muôn đời của người Việt. Quan-niệm "Bế Môn Toả Cảng" chỉ mới có hồi gần đây khi ta nhiễm phải nọc độc văn-hoá từ Trung-Hoa.

Những đường hàng-hải của Tổ-tiên ta khắp mặt căc Đại-Dương đã được đề-cập đến qua nhiều tài-liệu. Viễn-hành có mục-đích chính là để buôn bán. Đi biển không phải dạo chơi hay chuyện viển vông. Sinh-hoạt này tượng-trưng cho sự can-đảm, ý-chí sắt thép, tinh-thần đoàn-kết... và liên-hệ đến sinh-mạng, Người Tàu rất run sợ trước những chuyến hải-hành xuyên-dương như vậy: phải đi tàu Man, sợ cướp, sợ bị giết, sợ chết đuối, sợ xa nhà nhiều năm... (22)

Mãy ngàn năm trước sách sử Trung-Hoa ghi chép nhiều chi-tiết về hoạt-động thương mại của người Bách-Việt. Sinh-hoạt của những thương-gia Việt giầu có kiểu "phú-gia địch-quốc" nhờ thương-mại viễn-duyên được ghi lại khá nhiều. Theo học-giả Sterling Seagrave thì những người Trung-Hoa trong nước và hải-ngoại giầu có ngày nay là nhờ được thừa-hưởng truyền-thống thương-mại từ người Việt thời chiến-quốc. Seagrave không ngại-ngần, đã sử-dụng những "chữ lớn" như Roots (gốc rẽ), Children of Yueh (con cháu người Việt) để đề-cập đến nhiều nhân-vật kim cổ nổi danh như vậy. (23)

Hoạt-động hàng-hải và thương-mại của dân Việt trong khoảng 11 thế-kỷ, từ nhà Triệu đến khi thành-lập triều-đại nhà Tống, năm 960, đã được Wang Gungwu mô-tả khá đầy đủ. Sau khi đế-quốc Nam-Việt của nhà Triệu bị sụp đổ, thương-gia Việt vẫn tiếp-tục nắm giữ hầu hết ngành hàng-hải dọc duyên-hải hay đường viễn-duyên đến các nước Đông-Nam-Á và „n-Độ, như đã từng nắm giữ trước kia. Đặc-biệt hải-cảng sầm-uất hàng đầu vùng Đông-Nam-Á vẫn là Luy-Lâu hay Long-Biên (Hà-Nội ngày nay) với vùng hậu-cảng trù-phú nhất đế-quốc là quận Giao-Chỉ. Mọi hàng-hoá chuyên chở đường biển ra vô vùng Đông-Á đều từ Giao-chỉ mà ra vô. Đôi khi Quảng-Châu được chia sẻ một phần nhỏ hoạt-động hàng-hải nhưng người Việt cũng vẫn luôn luôn nắm giữ hết hệ-thống thương-thuyền. (24)

Bốn biển đều là anh em.

Sự giao-thương của người Việt không những chỉ thành-công và nắm được vai trò cốt-cán mà thương-trường của họ lại rộng rãi, thương-nghiệp lại lâu bền, kéo dài suốt cả mấy ngàn năm. Không có tài-liệu nào nói đến sự cạnh-tranh về hải-thương với người Việt. Có lẽ lý-do chính nằm ở các ưu-điểm của những nhà hàng-hải chuyên-nghiệp. Tiền-nhân ta có đức-tính thành-thật, giao-thiệp rộng rãi, tín-nghiã (25) và nhất là tinh-thần "bốn biển anh em". Triết-lý Nước thể-hiện rõ rệt trong ngành viễn-thương của ta vậy!

Nhiều người cho rằng ý-tưởng "tứ-hải giai huynh-đệ" là của người Trung-Hoa. Điều này thực sự sai lầm vì các lý-do sau đây:

- Trước đây 3,000- 4,000 năm, người Tàu mới lập-quốc tại vùng ngã ba sông Hoàng-Hà và sông Vị, rất xa biển. Còn người Việt từ lâu đã sống cạnh Biển Đông, giao-thương với nhiều nơi và đã gặp gỡ nhiều chủng-loại khác nhau.

- Người Tàu nguyên-thủy là giống dân gắn chặt với đất liền. Ý-tưởng của họ rất mù mờ về biển cả. Chẳng hạn như cho đến đời nhà Thanh mà người Trung-Hoa vẫn còn nghĩ rằng biển bao bọc nước Trung-Hoa, và các học-giả Trung-Hoa còn tin ở câu "tam sơn, tứ hải, nhất phần điền"

- Cuộc đời mẫu mực của dân Trung-Hoa đặt lý-tưởng vào "Tu, Tề, Trị, Bình". Chỉ có họ là văn-minh, ngoài Trung-nguyên là Tứ Di. Khi quyết-chí bình thiên-hạ, người Trung-nguyên khó mà bạn bè anh em với mọi giống người dị-chủng nơi bốn bể.

Trong khi Tàu cô-lập trên "trung-nguyên", cả nước Việt-Nam là một xứ sở dưới duyên-hải. Không có một đồng-bằng nào có đông dân-cư mà lại nằm xa biển. Do đó biển cả có mặt thường-trực trong đời sống của người Việt-Nam. Hải-sản, muối và cá là thực-phẩm chính-yếu hàng ngày. (26)

Người Tây-phương nhận ra đặc-tính "bốn biển anh em" này của người Việt ngay khi họ tiếp-xúc với Đông-Á.. Trước lạ sau quen, dù là dị-chủng, người Việt rất thân-thiện với mọi loại người khác xứ .

Can-đảm Kỷ-luật

Thừa hưởng truyền-thống của một người thủy-thủ giữa trời nước bao la, dân Việt tuy bình-thường xem ra nhút nhát; nhưng thật sự, họ không ngại hiểm-nguy. Sống trong tập-thể được đoàn-ngũ-hoá, người Việt-Nam tôn-trọng kỷ-luật, có tinh-thần đồng-đội rất cao, đúng hệt như những thành-viên của một con tàu hải-hành ngoài khơi. (27)

Người Việt cũng cực-kỳ can-đảm. Trước những người Pháp Paul Doumer, E. Luro gần 2,000 năm, Sự kiện "người Việt không sợ chết" đã được sách sử Tàu ghi nhận khi họ đối-diện vớI dân Bách-Việt trong thời Xuân-Thu Chiến-Quốc. (28)

Các giáo-sĩ ngườI Pháp như Alexander de Rhodes, (29) người Ý như Ricci rất thán-phục phong-thái Việt-Nam và thấy quân-nhân nước ta trọng kỷ-luật, nặng tình đồng-độI và can đảm hơn hẳn người Tàu.

Các màu sắc huy-hoàng của văn-hoâ dân-tộc đáng kể ra như sau: bốn biển là nhà, thờ kính tổ-tiên, nam-nữ bình-đẳng, kính người già, giúp đỡ người yếu đuối hoạn nạn, nặng tình quê-hương, trọng nghiã không vì lợi hay vì phù thịnh, yêu mến thiên-nhiên, hiền-hoà nhưng can-đảm v.v...

Ngoài ra những nét đẹp văn-hoá như thờ kính tổ-tiên, trọng người già cả, thương mến trẻ em... tuy không kể ra hết được, nhưng đều đáng nói đến cả

Triết-lý Tả-nhậm

Sử sách Trung-Hoa thường ghi "Tứ-di tả-nhậm" tức là tục-lệ đom hàng nút áo về bên trái.

Tục này tượng-trưng cho một thứ triết-lý rất cao về lòng tương-trơ, giúp đõ người yếu đuối của người Bách-Việt. Cánh tay phải mạnh mẽ hơn cần phải giúp cánh tay trái là thành-phần yếu đuối hơn để cùng cài nút áo. Khuynh-hướng phù-thịnh, lợi-dụng thờI-cơ của số đông loài người hoàn toàn đi ngược với quan-niệm này.

Có lẽ vì đố-kỵ với Di, Man; người Trung-Hoa luôn luôn cài nút áo bên phải và tránh việc cài nút bên trái. Chúng tôi xin phụ-chú thêm rằng Khổng-Tử đã từng khen Quảng-Tử, một nhà chính-trị tài-giỏi hồi Chiến-Quốc, một câu rằng: "Nếu không nhờ Quản-Trọng duy-trì Trung-Quốc thì nay người Tàu đều đã phải cái nút bên tả. (30)

Người hành-thủy vốn hào-phóng và hiếu-khách

Dân Việt-Nam rất hiếu-khách, thường mời khách dùng những món đồ quý-giá. Câu cách ngôn "tiền khách, hậu chủ" (mời khách trước, chủ đi sau) chứng-minh điểm này. Vốn là những người hành-thủy lâu đời, người Việt-Nam hết sức giúp đỡ các tàu thuyền qua lại vùng biển của họ.

Những thương-gia Tây-phương đầu tiên đến Đông-Á đã làm chứng cho tinh-thần hiếu khách, hàng-hiệp trọng-nghiã thật cao của người Việt-Nam. Trong một cuốn nhật-ký của thương-nhân buôn bán với vùng này vào khoảng thời-gian 1690-1700, người ta thấy viết rằng: "Khi một thương-thuyền nào đó bị đắm ở đây, số còn may mắn vì được dân Việt-Nam giúp đỡ hơn bất cứ ở một nơi nào khác. Thuyền bè của họ chạy ra chạy vào săn nhặt các vật-liệu, người ta dùng lưới để thu-hồi hàng-hoá bị chìm. Thật là không còn một nỗ-lực nào mà họ không cố gắng làm để sửa chửa lại con tàu hư hại được tốt đẹp trở lại như xưa. (31) 

 

 Địa-vị phụ-nữ

Trong một xã-hội du-mục hay săn-bắn, người đàn ông nắm yếu-tố chính-yếu cho sư sinh-tồn của cộng-đồng. — thế-giới thủy-sinh, giá-trị đàn bà tương-tự như đàn ông. Cả trong xã-hội nông-nghiệp của ta cũng vậy, vai trò "nội-tướng", tay hòm chià khoá của phụ-nữ Việt-Nam thật là quan-trọng.

Lịch-sử Việt-Nam đặc-biệt ghi tên nhiều vị nữ-lưu anh-kiệt. Những chiến công phụ nữ oanh liệt nầy, chắc chắn được tô điểm thêm trong truyền thuyết dân gian, đã phản ảnh qui chế độc nhứt của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội. Trái ngược hẳn những người cùng phái ở khắp các nơi khác ở Á Châu và ngay cả Âu Châu chỉ mới được giải phóng gần đây, người phụ nữ Việt Nam đã được hưởng một cách truyền thống rất nhiều quyền hạn trong gia đình và xã hội. (32)

Linh-mục Ricci cũng cho rằng người đàn-bà Việt-Nam rất khả ái, có địa-vị khá cao trong xã hội. (33) Luật-pháp và Lệ (làng) cho ngườI phụ-nữ tham-dự hầu hết hoạt-động và đặc-biệt đày-đủ quyền-hạn trong sự quản-trị tài-sản riêng.

Xã-hội Tàu khác hẳn. Quan-niệm con gái không kể là con -"Nhất Nam Viết Hữu, Thập Nữ Viết Vô"- vẫn phổ-thông. NgườI đàn-bà "gần như không có chỗ đứng" trong xã-hộI Trung-Hoa. Cho đến năm nay, tình-trạng vẫn còn tồi-tệ. Trong ngày hộI Phụ-Nữ Thế-giớI 1998 tại Bắc-Kinh, vị nữ đại-biểu Trung-Hoa nói với phu-nhân Tổng-Thống Mỹ Clinton rằng: "Nếu bà có đập cửa một nhà ngườI Trung-Hoa thì đừng ngạc-nhiên nếu nghe thấy tiếng đàn-bà ở trong trả lời rằng: Không có người nào ở nhà cả." (34)

Sự cần-thiết phải phục-hoạt văn-hoá gốc

Qua suốt dòng lịch sử, với hơn một ngàn năm đô hộ của nước Tàu khổng-lồ phương Bắc; nếu dân-tộc Việt không có một dân tộc tính đăc-biệt thì chắc chắn rằng đến ngày hôm nay trên bản đồ thế giới, địa danh Việt-Nam đã bị xoá bỏ và nước Việt-Nam đã trở thành một truyền thuyết xa vời đối với dòng lịch sử của loài người.

Theo Ông Nguyễn-Việt-An thì làm sống lại nền văn-hoá Việt không phải là việc xa xỉ mà là nhiệm-vụ thiết-yếu nếu không chu-toàn được thì dân ta sẽ bị tiêu-trầm, chứ đừng vội nói đến sứ-mạng đóng góp vào văn-hoá nhân-loại.

Nếu như văn-hoá Cộng-sản hay Xã-hội chủ-nghiã mai mốt đây tiêu-trầm trên đất Việt-Nam thì ngườI Việt mình lại đi tìm văn-hoá Tây, Mỹ, Tàu, hay Nga ... (những thứ này đã thử hết rồi) để thế vô chăng, hay lại phải phục-hoạt nền văn-hoá (gốc) của mình. (35)

Cũng như Học-giả Trần-Trọng-Kim, chúng tôi ý-thức rằng việc tìm hiểu triết-lý gốc rễ dân-tộc cũng quan-trọng như việc tìm hiểu Việt-sử nên xin ghi lại đây lời cụ Trần đã viết trong phần Tựa của cuốn "Việt-Nam Sử-Lược," quyển 1 để thay lờI kết-luận như sau:

Chủ đích (của việc ghi chép Sử hay tìm hiểu Triết-lý) là để làm một cái gương chung-cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đãy mà biết cái sinh-họat của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa-vị ở dưới bóng mặt trời này.

Vũ-Hữu-San

Phụ-Chú

(1) Sách "Tự hào là người Việt Nam qua chứng liệu văn hoá lịch sử", Nhà Xuất Bản Hưng Đạo, Florida, 1989, Tựa, Trang i.

(2) Nguồn gốc Văn Học Việt Nam", Lê-Văn-Siêu, xuất-bản tại Sàigòn năm 1956, trang 10.

(3) "Sách "Art of Southeast Asia" , Maud Girard -Gesland and al., translated from the French by J. A. Underwood; Harry N. Abrams, Inc., Publishers, New York, 1994, p. 20

(4) Bài "Multiregional Evolution: A World-Wide Source for Modern Human Populations"; Milford H. Wolpoff, Alan G. Thorne, Fred H. Smith, David W. Frayer, and Geoffrey G. Pope: trong "Origins of Anatomically Modern Humans", edited by Matthew H. Nitechi and Doris V. Nitecki; Plenum Press, New York and London, 1994.

(5) Sách "Nguồn gốc Văn Học Việt Nam", Saigòn, 1956, trang 21 .

(6) Nguyên-văn: Tout est dit dans les mythes, resté à comprendre.

(7) Phạm-Việt-Tuyền, "Tâm hồn người Việt Nam qua thi ca truyền khẩu bình dân Việt Nam" trong "Đệ Ngũ Thiên kỷ," Chủ-biên: Vương Kỳ Sơn, USA, 1994, trang 51.

(8) Sumet Jumsai, "Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific," Singapore, Oxford University Press, 1988, p. 70.

(9) Bài "Origins and Development of the Yueh Coastal Neolithic" trong tuyển-tập "The Origins of Chinese Civilisation", University of California Press, 1983: 147-175.)

(10) Xin xem thêm sách cũ nhu "Đại-Việt Sử-ký Toàn-Thư" của Ngô-Sĩ-Liên, Việt-Sử-Lược của Khuyết-Danh hay truyện cổ như Lĩnh-Nam Trích-Quái của Trần-Thế-Pháp và Việt-Điện U-Linh-Tập của Lý-Tế-Xuyên.

(11) Ngay cả nhà vua mà đến đời vua Trần Anh-Tông (1293-1314) mới bỏ tục lấy chàm vẽ rồng vào đùi.

(12) Các sách sau đây bàn về sự tồn-tại của Việt-Nam, thoát âm-mưu Hán-Hoá với nhiều nhận-định xác-đáng: K. W. Taylor, The Birth of Vietnam, (Berkeley, Cal., 1983HelenLamb

Vietnam’s Will to Live, Resistance to Foreign Agression from Early Times Through the Nineteenth Century, Helen B. Lamb, Monthly Review Press New York and London, 1972

(13) Dẫn lại trong "Tinh-thần Nho-học trong đời sống dân-tộc Việt Nam, Thời Báo số 2246 ngày 4/4/ 1998, các trang 17/27/28)

(14) Có nhiều tài-liệu có giá-trị lớn để chứng-minh những thành-tích này. Tập sách tham-khảo dễ dàng nhấ là cuốn "Science and Civilisation in China" by Joseph Needham, Wang Ling, and Lu Gwei-Djen, Volume 4- Physics and Physical Technology, Part III: Civil Engineering and Nautics - Cambridge at the University Press, 1971.

(15) Bài "The diverse traditions of South East Asia", Anthony Christie, trong sách "The Dawn of Civilization", edited by Stuart Piggott, Thames and Hudson Limited, London 1961, p. 298.

(16) The Vietnamese Culture, An Introduction, Pham Kim Vinh, USA, 1994, p.118.

(17) Sách "Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific, Sumet Jumsai", Singapore, Oxford University Press, 1988, p.174 - Epilogue.)

(18) Nguyên-văn: It would seem that the people in this area were not warlike in their outlook, permitting other groups to move into their territories and live their own ways. (Sách The Philippines in the World of Southeast Asia - A Cultural History, Philippines 1972.)

(19) Lời phát-biểu này nguyên-văn như sau: "I personally feel that this is the true Southeast Asian style of life and this style and philosophy of independent villages with a willingness to live and let live for neibouring, different cultures has much to offer to the present day world"

(20) "A Dragon Defiant: A Short History of Vietnam", New York, 1972: 35-35.

(21) Xem Paul Isoart, Le Phénomène national vietnamien: De l’indépendance unitaire à l'indépendance fractioné (Paris, 1961), p.-47. và From Vietnam’s Will to Live - Resistance to Foreign Aggression from Early Times Through the Nineteenth Century by Helen B. Lamb, Monthly Review Press, New York and London, 1972.

(22) Needham, Joseph, Wang Ling and Lu Gwei-Djen cho dẫn-chứng một đoạn như sau:"... Merchant-ships (ku chhuan7) of the barbarians (may) transport them (part of the way) home again. But (these barbarians) also, to get more profit (sometimes) rob people and kill them. Moreover (the travellers) may encounter storms and so drown. Even if nothing (of this kind happens, they are) away for several years". Sách "Science and Civilisation in China, vol. 4: Physics and Physical Technology, part III: Civil Engineering and Nautics"; Cambridge University Press: Cambridge, 1971, trang 443.

(23) Sách "Lords of the Rim, The Invisible Empire of the Overseas Chinese, J. P.Putman's Son, New York, 1995.

(24) "The Nanhai Trade - A Study of the Early History of the Chinese Trade in the South China Sea", Journal of the Malayan Branch Royal Asiatic Society, Kuala Lumpur, 1956..

(25) Bác-sĩ Crawfurd có nhận-xét về khả-năng hàng-hải của dân Việt-Nam ta trong mục báo-cáo số 145 như sau: "... người ta không thể tìm đâu ra được một sắc dân nào nữa ở Á-Đông mà lại có đầy đủ những đức-tính để trở thành các nhà hàng-hải siêu-đẳng như vậy... Tính họ không những cương-quyết, năng hoạt-động, tôn-trọng hạn-kỳ, mà lại luôn luôn vui vẻ chiều lòng khách hàng... Ghe tàu của họ được các nhà chuyên-môn xét đoán và mô-tả như là những loại thuyền tốt nhất trong khu-vực Đông-„n, kiến-trúc rất chắc chắn, đủ sức hải-hành ngay cả những khi thời-tiết xấu nhất."

(26) Contribution à l'histoire de la nation vietnamienne, Paris, 1955. The Vietnamese Nation - Contribution to a History, Jean Chesneaux, Malcolm Salmon dịch ra Anh-ngữ, Sydney, 1966.

(27) Trần-Trong-Kim có nhận-xét về người Việt như sau: "Thường thì nhút nhát, hay khiếp-sợ và muốn sự hoà-bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì có can đảm và biết giữ kỷ-luật." Việt-Nam Sử-Lược, Quyển 1, 1971, trang 6

(28) Bruce Swanson trích-dịch lạimột đoạn trong sách Tàu như sau: "The Yủeh people by nature a indolent and undisciplined. They travel to remote places by water and use boats as we use carts and oars as we use horses. When they come (north - to attack) they float along and when they leave (withdraw) they are hard to follow. They enjoy fighting and are not afraid to die." (Eighth Voyage of the Dragon, Bruce Swanson, Naval Institute Press, Annapolis 1982, page 11-12)

(29) "Rhodes of Vietnam - The Travels and Missions of Father Alexander de Rhodes in China and Other Kingdoms of the Orient", Translated by Solange Hertz, The Newman Press - Westminster, Maryland, 1966

(30) Dẫn lại trong "Gốc rễ Triết Việt", Kim-Định, AnViệt Houston, 1990, trang 72

(31) (Taboulet, La geste francaise en Indochine (Paris, 1955), Vol. 1, p. 87.)

(32) Helen B. Lamb, "Vietnam’s Will to Live - Resistance to Foreign Aggression from Early Times Through the Nineteenth Century," Monthly Review Press, New York and London, 1972.

(33) Father Borri came (to Vietnam) as a friend and was so received. This delightful mathematician expressed great enthusiasm for the local inhabitants, even commenting on the women’s feminine charms! Extolling their attire, he wrote that "though decent, it is so becoming that one believes one is witnessing a gracious flowering springtime." 1 The record he left compares the People with those of China, where his journeys for the faith had also taken him. 'To his evident delight, he found the Cochinchine truly hospitable and "superior to the Chinese in their wit and courage":

(34) Báo Mercury News, không nhớ số, 1998.

(35) "Bàn về văn-hoá Việt", Báo Việt-Nam số 3053, thứ bảy 4 tháng 7, 1998, trang 20.

  

Free Web Hosting