Văn-Minh Nước và Hàng-Hải Thời Cổ của Việt-Nam

(Nước, Yếu-tố Văn-hoá Căn-bản của Dân-tộc)

 Bài Tựa Cuốn Sách

Môi-trường đời sống thay đổi luôn luôn, nền văn-hoá dân-tộc cũng thay đổi. Tìm hiểu sự liên-hệ giữa môi-trường sinh-sống và nền văn-hoá của tổ-tiên ta trong quá-khứ là một việc làm thật cần-thiết.

Sách này trình-bày các đặc-tính của dân ta qua khía-cạnh hàng-hải. Việc nghiên-cứu cho thấy rằng dân-tộc Việt là giống dân tiên-phong của nhân-loại trong các sinh-hoạt hàng-hải.

Câu phát-biểu này có vẻ như chủ-quan hay giả-tưởng?

Khi cuốn sách này sắp hoàn-thành, có một người hỏi chúng tôi ý-tưởng như vậy có quá lớn lối không? Thú thực, chính chúng tôi đã từng tự hỏi mình như vậy. Cách đây bốn thập-niên,[1] khi chúng tôi khởi đầu việc nghiên-cứu đề-tài này, các tài-liệu liên-hệ đến cổ hàng-hải trong thư-viện Việt-Nam còn quá ít ỏi. Theo cách quản-lý sách vở thời đó, các tài-liệu loại này thường để riêng lẻ nên dữ-liệu xem ra không mấy giá-trị. Một số kiến-thức thu-thập được mới chỉ là những giả-thuyết, đang được kiểm-chứng.

Tuy vậy, dần theo thời-gian, trong những dịp di-chuyển đó đây, chúng tôi góp nhặt thêm nhiều tài-liệu mới và chứng-cớ về cổ hàng-hải Việt-Nam cứ tăng dần. Tổng-hợp lại, chúng tôi nhận thấy rằng thành-quả về hàng-hải của tiền-nhân chúng ta thật vĩ-đại. Dân ta đáng được kể là đi đầu trong mọi phát-minh về vận-chuyển[2] đường thủy thời cổ. Cuốn sách này ra đời nhằm trình-bày những kết-quả nghiên-cứu đó.

Sinh-sống tại một ngã tư quốc-tế, dân-tộc Việt có nhiều sinh-hoạt về văn-hoá thật là độc-đáo. Trong buổi bình-minh của nhân-loại, người Đông-Nam-Á mà trong đó đáng kể nhất là người Việt-Nam, đã đi đầu trong các sinh-hoạt hàng-hải. Nhiều phát-minh thời cổ về hàng-hải mới tìm thấy hồi gần đây đã được xác-nhận là của các dân-cư sinh-sống trong vùng Biển Đông. Theo một số nhà khoa-học, những công-trình này thật là vĩ-đại, những thành-tựu về vận-chuyển đường thủy đã thực-sự đóng góp rất nhiều cho văn-minh của nhân-loại.

Nhiều người trên thế-giới nghĩ rằng Việt-Nam nói riêng, hay Đông-Dương nói chung, là sản-phẩm của sự giao-tiếp giữa hai nền văn-hoá lớn Trung-Hoa và Ấn-Độ. Tuy vậy hai nền văn-hoá này chỉ mới xâm-nhập nước ta chừng hơn 2,000 năm trở lại đây. Nếu đem so-sánh với số tuổi của các nền văn-minh “nước” Hoà-Bình/Đông-Sơn khởi-sự từ mười mấy ngàn năm về trước thì văn-minh của cả hai nơi Trung-Hoa và Ấn-Độ đều muộn hơn rất nhiều.

 

Du-khách đến Việt-Nam để biết gì?

Hiển-nhiên, cả hai nền văn-minh Trung-Hoa và Ấn-Độ đã không bao giờ tiến-triển được đến cực-điểm tại nước ta.

Nếu du-khách muốn coi sự tiến-bộ của văn-hoá Trung-Nguyên và Khổng-giáo, họ sang Trung-Hoa.

Nếu du-khách muốn xem sự huy-hoàng của văn-hoá Ấn-giáo và Phật-giáo, họ sang Ấn-Độ.

Nếu du-khách muốn chiêm-ngưỡng những kiến-trúc vĩ-đại, họ sẽ thất-vọng vì người Việt-Nam vốn ảnh-hưởng “văn-minh nước” trọng nhân-bản, không bao giờ phí sức cho bất kỳ một công-trình xây cất nào quá tốn kém tài-nguyên và sinh-mạng con người.

Những điều đáng kể ở Việt-Nam là những sinh-hoạt đặc-thù Việt-Nam. Những nét văn-hoá này đã ra đời trước khi có Khổng, có Phật; chúng đẹp đẽ vô cùng và cũng đi trước thời-kỳ người Trung-Hoa và người Ấn-Độ xuất-hiện trên bán đảo Đông-Dương.

Một trong những nét đặc-thù Việt-Nam mà chúng tôi muốn giới-thiệu trong cuốn sách này là hàng-hải và văn-hoá liên-quan đến nước. Các sinh-hoạt của dân ta ngày xưa, ở ngoài biển, trong sông, trên mặt nước, dưới lòng nước, cạnh bờ nước đã tạo thành một thứ văn-hoá mà chúng ta có thế gọi là “Văn-hoá nước”

Trong đời sống Việt-Nam thời cổ, văn-hoá “nước” bao la như Biển Đông, bát ngát trải dài vượt cả ra ngoài chân trời và tầm hiểu-biết của con người. Theo Bernard Philippe Groslier, biển cả đã gợi ra trong trí óc người dân Đông-Dương cái ấn tượng về nguồn-gốc của muôn loài, một tâm-tưởng đến cả thế-giới trước khi khai thiên lập địa và cũng là nơi quê-hương cho người chết (tức tổ-tiên của họ) trở về.

Trên địa-bàn “nước” này, tiền-nhân chúng ta đã có những phát-minh đầu tiên về ghe thuyền. Bè, thuyền độc mộc, mái chèo, cánh buồm, bánh lái, cây xiếm... là một số nhỏ trong nhiều công-trình sáng-tạo làm tăng-tiến sự tiến-hoá của nhân-loại. Tuy mới thoạt nghe qua, chúng ta có thể nghi-ngờ; nhưng thật sự không phải hoàn-toàn vô-lý vì nhiều ít  cũng có dẫn-chứng.

Bên cạnh các phát-minh đó, những màu sắc huy-hoàng của văn-hoá dân-tộc Việt: thờ kính tổ-tiên, nam nữ bình-đẳng, kính người già, giúp đỡ người yếu đuối hoạn-nạn, nặng tình quê-hương, nhân-loại bốn biển là nhà, trọng-nghĩa khinh-tài, không vì lợi mà phù-thịnh, yêu-mến thiên-nhiên, hiền-hoà nhưng can-đảm, kỷ-luật và cũng hiên-ngang như hình-ảnh của người thủy-thủ trước phong-ba, không sợ cả cái chết v.v...

Những nét đẹp của Việt-Nam không thể hiện qua vật chất, tất cả đều nặng về tinh-thần. Nhờ các ưu-điểm và sức mạnh tinh-thần như vậy, quốc-gia ta mới tồn-tại đến ngày nay.

Nhiều người Việt-Nam đã bỏ nhiều thời-giờ, có thể cả đời người, để nghiên-cứu, học-hỏi Khổng, Phật, Lão, Chúa Cứu thế, Kinh Dịch...

Tuy thế, chúng ta cũng cần phải “đầu tư” thêm nhiều nhân-lực và thời-gian để tìm hiểu về nền văn-hoá căn-bản của dân-tộc. Gạt bỏ ra ngoài những lớp sơn ngoại-lai phủ-lấp ở trên, nền văn-hoá bản-địa sẽ hiện ra.

Trong thời niên-thiếu của chúng tôi, một số người “trí-thức tiểu-tư-sản” Việt-Nam, được sinh ra từ những gia-đình “Cửa Khổng, sân Trình” tự cho mình may-mắn. Một số người khác nghĩ rằng phải vào đời “dưới bóng từ bi” hay “trong sự cứu-rỗi của Chúa”... mới là niềm hạnh-phúc. Cho đến nay, có thể thấy rằng điều may-mắn và niềm hạnh-phúc chung của toàn-thể người Việt chúng ta là cùng được thừa-hưởng một nền văn-hoá cổ xưa, thực-sự có tính-chất nhân-bản do tiền-nhân để lại.

Thứ văn-hoá đó mới nghe như lạ-lùng, chúng tôi xin gọi là nền “Văn-hoá Nước”.

Có người chưa từng nghe nói trong cái gia-tài quý-giá này lại chứa đựng một thứ lạ-lùng là nền Văn-hoá Nước.

Văn-hoá này lại rất cổ.

Sau hàng chục ngàn năm sinh-hoạt tự-do, vẫy-vùng trong trời nước Biển Đông, dân Việt đã chế-ngự thiên-nhiên, tạo-dựng nông-nghiệp, phát-triển hàng-hải, mang văn-minh đi khai-hoá khắp nơi, vượt cả hai đại-dương Thái-Bình và Ấn-Độ.

Thật là những khám-phá quý-giá nếu sau này chúng ta tìm lại được toàn-vẹn cái nguyên-lý đích-thực của nền Văn-hoá Nước kỳ-diệu này của tổ-tiên.

Buckminster Fuller, dù không phải là dân vùng Biển Đông, sau khi nghiên-cứu xong luận-án “Cơ-học Chất Lỏng”, đã hết sức thán-phục triết-lý sống của người dân nước, dân thuyền vùng Đông-Nam-Á. Fuller tin tưởng rằng triết-lý “nước” là con đường lý-tưởng nhất và ông còn mong-mỏi rằng vì sự sống còn của nhân-loại trong tương-lai, con người nên noi theo chân-lý “nước” để tiết-kiệm vật-liệu, năng-lượng[3] v.v...

Như các loài di-điểu bay về tổ cũ hay loài cá hồi bơi lại nguồn suối ngày xưa, người Việt chúng ta có Tổ, có Nguồn rất linh-thiêng để trở về. Quốc-gia Việt-Nam được chúng ta gọi là Nước Việt-Nam. Vậy Nước là Quốc-Gia, vớ đầy đủ cả lãnh-thổ, cả dân-tộc. Nguồn-gốc dân ta gắn liền với Nước, tức là địa-bàn Việt-Nam thời nguyên-thủy.

Người Việt-Nam chúng ta không thể nào mãi mãi vô-tình quên-lãng công-trình vĩ-đại của tổ-tiên trên lãnh-vực hàng-hải. Những thế hệ sau này cần bảo tồn, phát huy hay ít nhất cũng phải lưu-giữ, tiếp nối truyền-thống cao-quý ấy.

Chúng tôi thiết nghĩ rằng ngành giáo-dục Việt-Nam nên thêm một phần thuyết-giảng về văn-hoá “nước”, các bảo-tàng-viện Việt-Nam cần thiết-lập nhiều đồ-án trình-bày về khảo-cổ hàng-hải, lịch-sử hàng-hải, triết-lý dân-tộc liên-hệ đến “nước”.

Sách giáo-khoa sử, địa Việt-Nam không thể gọi là đầy đủ nếu không đề-cập đến hàng-hải.

Sách nói về văn-minh Việt-Nam hay văn-minh thế-giới mà không đả-động gì tới văn-minh nước của nhân-loại nói chung và văn-minh nước của dân ta nói riêng thì thật là thiếu-sót.

Một mảnh lớn hồn nước, hồn quê-hương Việt-Nam truyền qua nhiều thế hệ nằm ở đó. Yêu văn-hoá “nước” cũng là yêu nước, thương đồng-bào. Tìm hiểu để thấu-triệt văn-hoá “nước” nhiều hơn, chúng ta yêu Tổ-quốc nhiều hơn, thương dân-tộc hơn.

Sách bàn đến văn-hoá Việt-Nam cần thêm một phần giới-thiệu về sinh-hoạt của dân ta thời tiền-sử mà trong đó những sinh-hoạt sông nước biển cả và những tiến-bộ hàng-hải cần được đề-cập tới.

Nói đến hàng-hải thời cổ, chúng tôi mặc-nhiên đi vào cổ-sử. Theo ông Bình-Nguyên-Lộc thì “lịch-sử cổ-đại ít người để chân tới vì đó là một lĩnh-vực hóc búa, tư liệu quá ít nên phải học quá nhiều môn phụ-thuộc, thành thử chợ ế khách”...[4] Những kiến-thức hàng-hải dẫn-chứng trong cuốn sách này không nhiều, thường chỉ là những chi-tiết lặt-vặt rút ra từ các cuốn sách ngoại-ngữ Anh, Pháp, Đức, Tây ban Nha, Nga, Trung-Hoa...[5]

Trong tình-thế tranh-chấp Hoàng Sa, Trường Sa hiện nay. Thành-tích hàng-hải của tiền-nhân ngang dọc đại-dương chính là những tài-liệu chứng-minh hùng-hồn về chủ-quyền Việt-Nam trên Biển Đông

Trong cảnh tha hương, cùng đồng-bào tìm về nguồn cội, chúng tôi muốn đóng góp thêm ở đây một số ý-kiến mới về giả-thuyết nguồn-gốc dân-tộc Việt-Nam. Chúng tôi không dám quả-quyết những điều trình-bày trong cuốn sách này là hoàn-toàn chính-xác. Để vấn-đề này được thêm sáng-tỏ, xin bạn đọc tiếp-tục thảo luận và nghiên-cứu.

Nền văn học dân-tộc, theo đúng nghĩa phải phản ảnh các sinh-hoạt của dân-tộc ấy. Tuy vậy văn học nước ta đã có một khoảng trống quá lớn về hàng-hải. Ngày xưa, nền văn-hoá “nước” tiền tiến của nhân-loại đã khởi-sự tại vùng quê-hương chúng ta. Cho đến nay, sinh-hoạt sông biển vẫn tiếp-tục quan-hệ đến dân ta biết là nhường nào. Thế nhưng, văn học đã vô-tình lãng-quên.

Thật là buồn khi người nước ngoài đã khám-phá ra khá nhiều chi-tiết về nền văn-minh cổ hàng-hải của ta, mà chính chúng ta thì lại hoàn-toàn không hay, không biết. Kết-quả khảo-cứu chúng tôi trình-bày trong cuốn sách này được coi như viên đá tạm thời dùng lấp bớt khoảng trống văn học lớn lao đó.

Qua những chứng-tích của lịch-sử hàng-hải, chúng tôi tìm ra những niềm tự-hào dân-tộc[6]. Trong lãnh-vực này, thực-sự người Việt-Nam xứng đáng là bậc đàn anh của Trung-Hoa. Không những chúng ta đã đi trước người Trung-Hoa, mà rất có thể chúng ta đã vượt xa mọi dân-tộc khác về các tiến-bộ đã đạt được trong khi sinh-hoạt trên biển.

Chúng tôi mượn lời của Học-giả Trần Trọng Kim đề-tựa cuốn “Việt-Nam Sử-Lược” (in lần thứ nhất, Sài Gòn, 1971; q.1) để chép ra đây như lời trần-tình cùng bạn đọc:

“Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu-xí nhưng nó có thể làm ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu-niên nước ta ngày nay ai cũng biết đôi chút sự-tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc-hồn. Ấy là cái mục-đích của soạn-giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục-đích ấy mà có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy”.

Sách này viết một đề-tài chưa bao giờ được khai-phá, trong khi đó, chúng tôi không phải nhà văn chuyên-nghiệp lại chẳng phải chuyên-gia nghiên-cứu toàn-thời, nên sự sai-sót không thể tránh khỏi. Kính xin độc-giả lượng thứ cho.

 

Vũ Hữu San

2005


 

[1] Sau khi tốt-nghiệp Trường Sĩ-Quan Hải-quân và hoàn-tất việc thực-tập hải-nghiệp, tác-giả có dịp thăm viếng Nhật Bản năm 1963. Khi thấy xứ này có nhiều viện nghiên-cứu hải dương, tác-giả nảy sinh việc tìm kíếm tài-liệu hàng-hải cổ Việt-Nam.

[2] Vào các thập-niên 1950, 1960: khi cán-bộ ngành hàng-hải được khởi-sự huấn-luyện tại Việt-Nam, danh-từ “vận-chuyển” là tên những môn học kỹ-thuật về điều-khiển chiến hạm hay thương-thuyền như vận-chuyển chiến-thuật, vận-chuyển cặp cầu, tách bến…

[3] Naga: Cultural Origins in Siam and the West Pacific của Sumet Jumsai, Singapore, Oxford University Press, xuất-bản 1988, trang 174

[4] “Nguồn-gốc dân-tộc Việt-Nam” trang 70.

[5] Cuốn sách hoàn-toàn không mang tính “Sử”. Như Cố đạo L. Cadière thường nói: Chúng tôi không có tham-vọng viết sử, chúng tôi chỉ lôi ra ánh sáng và thu-thập cho thật nhiều tài-liệu vững để dành cho các sử-gia đời sau.”

[6] Phàm đã là một dân-tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một cái lịch-sử chính đáng, thì phải gìn giữ những sự vẻ vang trong lịch-sử của dân-tộc mình, nghĩa là gìn giữ lấy những đức tính hay tốt mấy nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nước nào, dân-tộc nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại, là một cái tính-chất của một dân-tộc đã trải lâu năm kết-tinh lại như hòn ngọc mài không mòn, như sắt nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo-đức được. Lời Cụ Phan Chu Trinh (1872-1926).

Free Web Hosting